Nhóm tác giả đứng đầu bởi phó giáo sư – tiến sĩ Bruino Guiard, nhà khoa học thần kinh và dược học tại Viện Khoa học về não, nhận thức và hành vi ở Toulouse (Pháp) đã thực hiện thành công thử nghiệm động vật cho thấy metformin, một loại thuốc trị tiểu đường rẻ, phổ biến và được bán dưới nhiều tên thương mại khác nhau khắp thế giới, có thể khôi phục cơ chế tạo nên hóa chất thần kinh serotonin.
Những viên metformin giá rẻ được bán khắp thế giới với nhiều tên thương mại khác nhau có triển vọng được ứng dụng để trị 2 vấn đề tâm thần phổ biến và khó trị là rối loạn lo âu và trầm cảm - ảnh minh họa từ SHUTTERSTOCK
Thiếu serotonin là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề về tâm thần, ví dụ như rối loạn lo âu và trầm cảm.
Công trình xuất phát từ việc quan sát các bệnh nhân mắc tiểu đường khi điều trị bằng metformin thường ít bị trầm cảm hơn những người điều trị bằng thuốc khác. Các nghiên cứu trước đó cho thấy tiểu đường type 2 gắn liền với nguy cơ trầm cảm cao.
Rối loạn lo âu và trầm cảm thường bắt nguồn từ việc một axit amin tên tryptophan có vai trò quan trọng trong việc tạo ra hóa chất thần kinh serotonin bị chặn bởi một loại axit amin khác gọi là BCAAs. Trong khi đó, serotonin rất quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, tạo ra các thông điệp giữa các tế bào thần kinh trên toàn cơ thể.
Khi thử nghiệm thuốc tiểu đường metformin trên chuột, các tác giả phát hiện nó giúp ngăn chặn BCAAs, từ đó giải phóng quy trình sản xuất serotonin, đẩy lùi trầm cảm và rối loạn lo âu.
Tất nhiên để có thể đi đến bước ứng dụng trên người, nhóm nghiên cứu sẽ phải tiến lên các thử nghiệm lâm sàng, xem xét các yếu tố để đưa ra phác đồ phù hợp nhất, nhất là cho những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu nhưng không bị tiểu đường. Loại thuốc này rất có triển vọng ứng dụng trong điều trị các vấn đề tâm thần bởi nó khá rẻ và phổ biến.
Ước tính rối loạn lo âu là vấn đề tâm thần phổ biến nhất hiện nay tại Mỹ, với tỉ lệ mắc lên tới 18,1% dân số tuổi trưởng thành.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Jneurosci.