Hiện nay, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, tràn lan nhưng không theo chỉ định, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn).
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.
Quyết định 4041/QĐ-BYT của Bộ Y tế về "Phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020", nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
Một trong những mục tiêu trọng điểm mà Đề án hướng đến chính là tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú và tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.
- Đến năm 2020, đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.
- Đến năm 2020, kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70 % đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác.
-Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Việc tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn sẽ góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc.