Hàng chục doanh nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai “cầu cứu” vì bị bãi bỏ ưu đãi

Thứ tư, 07 Tháng 10 2020 10:26 (GMT+7)
Bất ngờ nhận thông báo phải nộp hàng tỷ đồng tiền đầu tư hạ tầng, 23 doanh nghiệp đang sản xuất trong Cụm công nghiệp (CCN) gốm sứ Tân Hạnh, TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã ký đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp cho rằng, trước đây để hỗ trợ di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quy định ngân sách hỗ trợ 60% tiền đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đóng 40%, nhưng nay lại thay đổi, buộc doanh nghiệp đóng 100%.
Sản xuất gốm tại Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ.
 
Thực hiện chủ trương di dời ra khỏi khu dân cư ở phường Tân Vạn, TP Biên Hòa, năm 2014, Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ bắt đầu vào CCN gốm sứ Tân Hạnh xây dựng nhà xưởng. Đến nay, doanh nghiệp đã đã đầu tư nhà máy hơn 30 tỷ đồng, sản xuất sản phẩm gốm để xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Hoa Kỳ. Sau bước đầu ổn định, mở rộng sản xuất, doanh nghiệp bất ngờ nhận thông báo của UBND TP Biên Hòa về việc phải đóng số tiền hơn bảy tỷ đồng tiền đầu tư hạ tầng cho diện tích hơn 10.000 m2 thuế đất tại CCN.
 
Giám đốc Công ty Đỗ Minh Sơn cho biết: “Khi di dời vào đây, doanh nghiệp được cam kết hỗ trợ 60% tiền đầu tư hạ tầng và miễn, giảm tiền thuê đất theo Quyết định số 62 của UBND tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, không hiểu vì sao vừa qua, doanh nghiệp chúng tôi nhận được yêu cầu phải đóng 100% tiền hạ tầng lên đến hơn bảy tỷ đồng. Quả thật, đây là số tiền rất lớn đối với doanh nghiệp, vì vừa di dời vào CCN, chúng tôi phải vay ngân hàng để đầu tư nhà xưởng, nay nếu phải đóng số tiền trên là không đủ khả năng, chỉ có nước đóng cửa”.
Hàng chục doanh nghiệp gốm sứ ở Đồng Nai “cầu cứu” vì bị bãi bỏ ưu đãi -0
 Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử làm việc với đại diện Công ty TNHH gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ.
 
Tương tự, với hơn 10.000 m2, Công ty TNHH gốm Phong Sơn nhận được thông báo phải đóng tiền hạ tầng hơn bảy tỷ đồng. Giám đốc Công ty, ông Hứa Mỹ Chiêu cho biết, di dời vào xây dựng nhà xưởng ở CCN gốm sứ Tân Hạnh vào năm 2016.
 
“Di dời vào đây phải xây dựng nhà xưởng hoàn toàn mới, chúng tôi phải vay ngân hàng. Bây giờ nếu thêm đóng tiền hạ tầng lớn như vậy là quá lớn. Ban đầu thực hiện di dời, Nhà nước cam kết hỗ trợ 60% tiền đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đóng 40%, chúng tôi rất hoan nghênh. Thế nhưng, giờ bắt đóng 100%, chúng tôi chỉ mong sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai để tiếp tục duy trì sản xuất”, ông Chiêu nói.
 
Theo Chủ tịch Hiệp Hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai Nguyễn Viết Bình, để hỗ trợ di dời, bảo tồn, phát triển các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn TP Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 1-6-2016. Trong đó, quy định đối với CCN gốm sứ Tân Hạnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạ tầng, 40% còn lại do các cơ sở sản xuất gốm đóng góp và được thanh toán trong vòng năm năm, kể từ khi đi vào hoạt động. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất gốm được giảm 50% tiền thuê đất trả một lần và miễn 11 năm đầu đối với thuê đất trả tiền hàng năm kể từ ngày đi vào sản xuất.
 
Ngày 3-2-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định 01/2020/QĐ-UBND, có hiệu lực từ ngày 20-2-2020 về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành, trong đó có Quyết định số 62. Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định bãi bỏ và căn cứ Công văn 4957/UBND-KTN ngày 4-5-2020 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tình hình đầu tư, hoạt động của các CCN trên địa bàn TP Biên Hòa, UBND TP Biên Hòa tính toán chi phí dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Đến ngày 29-5, bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đồng loạt ký, gửi thông báo đến các doanh nghiệp phải nộp tiền chi phí hạ tầng một lần, trước ngày 30-6-2020, với mức 670.460 đồng/m2.
 
Theo đó, tùy diện tích thuê đất trong CCN gốm sứ Tân Hạnh, doanh nghiệp phải đóng ít nhất là ba tỷ đồng, nhiều nhất là hơn 19 tỷ đồng. Trước việc bất ngờ nhận thông báo phải đóng 100% tiền hạ tầng một lần, thông qua Hiệp Hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, các doanh nghiệp đã đồng loạt ký đơn “cầu cứu” UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng liên quan.
 
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh vừa di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh xây dựng nhà xưởng và từ đầu năm 2020 đến nay, bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, số khách hàng nước ngoài đến tìm hiểu, giao dịch giảm mạnh, nay lại nhận thông báo phải nộp tiền đầu tư hạ tầng một lần với số tiền lớn, khiến doanh nghiệp không đủ khả năng.
Anh_8-1601973432119.jpg
Doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh đang mở rộng nhà xưởng. 
 
Hơn nữa, trong quá trình 10 năm di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh, các cơ sở, doanh nghiệp chưa hề được thông báo về phương án tính và thu tiền đầu tư hạ tầng là bao nhiêu, hệ số tính như thế nào? Từ đó, các doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét không áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với Quyết định 01/2020. Đồng thời chấp thuận cho các cơ sở, doanh nghiệp được hưởng chính sách theo Quyết định số 62.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử về vấn đề này, vào ngày 6-10, Tổng Thư ký Hiệp Hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng thẳng thắn: Trong lúc khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp còn đam mê làm gốm thì việc bãi bỏ Quyết định số 62 về chính sách ưu đãi hỗ trợ di dời các cơ sở vào CCN gốm sứ Tân Hạnh như “tát gáo nước lạnh” vào sự nhiệt tình của các doanh nghiệp. Bởi, các doanh nghiệp ở đây vốn đã làm gốm từ nhiều đời, chấp hành vào đây để góp phần bảo tồn, phát triển nghề gốm, vốn là đặc trưng của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai.
 
“Nhiều doanh nghiệp sau khi nhận thông báo đã phản ánh với Hiệp Hội rằng, hình như sau khi vận động, di dời vào CCN gốm sứ Tân Hạnh được, bây giờ họ cảm giác như bị lừa. Do đó, thiết nghỉ về tình, phải thông cảm cho doanh nghiệp, về lý phải thực hiện đúng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản của tỉnh không nên hồi tố”, ông Khiềng cho hay.
 
Được biết, sau khi nhận đơn “cầu cứu” của các doanh nghiệp trong CCN gốm sứ Tân Hạnh thông qua Hiệp Hội gốm mỹ nghệ Đồng Nai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã có Công văn giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, UBND TP Biên Hòa xem xét nội dung đề nghị. Từ đó, thống nhất ý kiến, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định. Được biết, hiện các đơn vị liên quan vẫn đang xem xét, chưa đưa ra hướng xử lý vấn đề trên.
 
THIÊN VƯƠNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Gốm sứ - Thủy tinh

  • Hàng mỹ nghệ chào thị trường Tết
    Để chuẩn bị phục vụ cho đợt cao điểm mua sắm Tết Nguyên đán, nhiều cơ sở sản xuất hàng trang trí, mỹ nghệ đã sớm thực hiện các ý tưởng mới cho năm nay và giới thiệu trước đến khách hàng. Tiêu chí rẻ, đẹp phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay đi kèm với những yêu cầu tinh tế, “ít đụng hàng” hoặc thân thiện với môi trường được người sản xuất chú trọng, ưu tiên hàng đầu để người dân có nhiều lựa chọn khi mua sắm.
    Chủ nhật, 03 Tháng 1 2021 15:44
  • Duyên thầm gốm sành Hương Canh
    Một mẻ gốm Hương Canh nung đốt trong lò thủ công mất khoảng 42 tiếng, với nhiệt độ từng thời điểm khác nhau. Vì lẽ đó, người làm gốm phải thức canh lò, thậm chí trắng đêm suốt sáng. Thao thức theo đúng nghĩa, mộc và chất như người đồng đất Hương Canh.
    Thứ ba, 28 Tháng 1 2020 08:14
  • Ngành giày da, gốm sứ: Thặng dư thương mại hàng hóa cả nước đạt 2,93 tỷ USD
    Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp (DN) giày da, gốm sứ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Để nắm bắt cơ hội mới, các chuyên gia khuyến cáo DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng trong đầu tư, từ khâu quản trị đến sản xuất nhằm đáp ứng tình hình mới.
    Thứ sáu, 30 Tháng 8 2019 07:42
  • Trăm năm gạch gốm Vĩnh Long
    Là một trong số ít địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có nghề nung gạch gốm, Vĩnh Long có những lò nung tồn tại đã hàng trăm năm. Từng có thời điểm, khu vực ven sông Cổ Chiên, Mang Thít, kênh Thầy Cai đoạn qua Vĩnh Long xuất hiện hàng nghìn lò nung gạch gốm các loại. Tuy nhiên, nghề nung gạch gốm nơi đây cũng đang thoái trào do xu hướng sử dụng các loại vật liệu mới. Tuy nhiên, nếu biết khai thác, những lò còn lại có thể kết hợp để phát triển du lịch.
    Thứ năm, 29 Tháng 11 2018 10:33
  • Gốm Chi: sự pha trộn giữa chất phiêu của Jazz và chút dữ dội của Rock
    Cảm nhận vẻ đẹp hiện đại của gốm Chi quả không dễ dàng bởi nó là sự bộc lộ thăng hoa của cảm xúc cá nhân. Như anh bạn trẻ ngồi vẽ ở góc vườn nói: “Phải có ở trong lòng một chút nồng nàn của đất, cảm giác phiêu của một bản Jazz, một chút dữ dội của Rock mới cảm nhận được nhịp đập của gốm, của tâm hồn người làm ra nó.
    Thứ hai, 26 Tháng 11 2018 10:19