Tại tọa đàm "Chắp cánh hàng Việt" do Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP HCM tổ chức sáng 17-4, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết sau 10 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (viết tắt là cuộc vận động - PV), hàng hóa sản xuất công nghiệp Việt Nam đã xây dựng được vị trí vững chắc trên thị trường nhưng hàng nông sản vẫn còn nhiều vấn đề.
Loại bỏ hàng không đạt chuẩn
Vì vậy, chương trình "Chắp cánh hàng Việt" sẽ tập trung vào nhóm hàng rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản... là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân, giúp ổn định cung - cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hạn chế "giải cứu". "Chúng ta cần nguồn cung ổn định, đạt yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm. Nếu làm tốt sẽ góp phần khẳng định thương hiệu Việt, chuẩn hóa và nâng tầm hàng Việt. Chúng ta đã có 10 năm vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nhưng không thể kêu gọi ủng hộ mãi mà hàng Việt phải lớn lên, khẳng định mình, chinh phục người tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu" - ông Hòa nói.
Tỉ lệ hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP tại các hệ thống phân phối hiện đại sẽ tăng cao hơn nữa trong thời gian tới
Khảo sát của Kantar Worldpanel cho thấy 85% người tiêu dùng đang mua thực phẩm tươi sống ở chợ (chủ yếu là heo, bò, cá, hải sản), trị giá khoảng 930.000 đồng/hộ/tuần. Tỉ lệ mua ở kênh phân phối hiện đại đã tăng 28%, lên mức 220.000 đồng/hộ/tuần. Còn theo thống kê của Sở Công Thương TP, mỗi ngày, kênh hiện đại tiêu thụ 1.000 tấn rau củ, 500 tấn trái cây, 60 tấn cá, 110 tấn thủy hải sản, 1.700 con heo, 40.000 con gà và 0,7 triệu quả trứng. Ngoài ra, hàng hóa nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được sang nhiều thị trường.
Ông Hòa đề nghị các hệ thống phân phối tiên phong xây dựng tiêu chuẩn mua hàng phải đạt chuẩn VietGAP, Global GAP và cao hơn nữa là organic (hữu cơ). Bên cạnh đó là các yêu cầu về bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn... Các chuẩn này sẽ là bộ lọc để đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại, tức nhà sản xuất làm đúng chuẩn mới vào được siêu thị, nếu vi phạm sẽ bị loại khỏi toàn bộ các kênh. "Nếu triển khai đồng bộ sẽ không còn tình trạng nhà cung cấp có hàng hóa vi phạm bị hệ thống phân phối A loại ra nhưng hệ thống B, C vẫn tiếp nhận. Nhà sản xuất làm ăn gian dối, chất lượng kém sẽ bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chơi" - ông Hòa giải thích.
Mở rộng, nâng chất nông sản Việt
Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết Đồng Tháp đã thực hiện nhiều mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị của 5 ngành hàng chủ lực là lúa, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng này vẫn còn nhiều vướng mắc như: sản lượng chưa đáp ứng nhu cầu, sản phẩm khó tiêu thụ; sự liên kết giữa các cơ sở, đơn vị sản xuất với DN phân phối chưa bền vững. Việc quản lý tem nhãn, quản lý quá trình sản xuất và hệ thống chất lượng chưa bảo đảm. Trước thực trạng đó, ông Dũng đề nghị TP HCM vận động hệ thống phân phối, DN tham gia hỗ trợ địa phương xây dựng chuỗi giá trị hàng nông sản với vai trò dẫn dắt chuỗi. "Các tỉnh, thành vùng nguyên liệu sẽ quy hoạch sản xuất; lựa chọn doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia đồng thời cam kết sản xuất hàng đạt chuẩn theo yêu cầu của nhà phân phối" - ông Dũng thông tin thêm.
Dẫn kết quả nghiên cứu đề án "Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" do UBND TP giao Trường Đại học Kinh tế TP HCM thực hiện, PGS-TS Trần Tiến Khai, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP, cho biết người tiêu dùng các vùng đô thị, trong đó có TP HCM, ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, chi trả nhiều hơn cho sản phẩm an toàn. Mặc dù vậy, họ chưa hiểu biết chắc chắn về thực phẩm an toàn và dựa theo cảm tính chủ quan là chính. Trong khi đó, nhà sản xuất đang có ý thức tốt về việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP sẽ cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. "Trên 80% hộ nuôi trồng được khảo sát cho rằng Chính phủ nên bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vì có lợi cho xã hội nhưng đòi hỏi phải có chính sách, cơ chế để bảo đảm người sản xuất có lời" - ông Khai nói.
Đại diện các nhà phân phối đánh giá việc nhà nhà sản xuất đề xuất áp dụng chuẩn VietGAP cho thấy họ cũng đang muốn có sân chơi công bằng, bình đẳng, vấn đề nhà nước có định hướng thế nào để tạo sân chơi cho họ. Ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, góp ý thêm muốn chắp cánh thì hàng hóa phải tốt hơn và phải được chính quyền hỗ trợ. "15 năm nay, tôi thấy đa số hàng về chợ đầu mối là hàng xá, chưa có bao bì. Vì vậy, cần phối hợp tốt để sơ chế, đóng gói bao bì hàng hóa đưa về chợ đầu mối. Năm 2018, bước đầu triển khai sơ chế tại nguồn củ cải trắng, củ cải đỏ, cà rốt, cải thảo..." - ông Nhu nói.
Mở rộng quy mô liên tỉnh
Với chương trình "Chắp cánh hàng Việt", hệ thống phân phối sẽ phát tín hiệu thị trường, định chuẩn hàng hóa và cam kết về sản lượng sẽ thu mua làm cơ sở cho các tỉnh tổ chức sản xuất và cung ứng. Nhà sản xuất các tỉnh bảo đảm cung đủ số lượng, chất lượng theo tín hiệu của TP HCM. Trên cơ sở đó hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Ban chỉ đạo cuộc vận động TP HCM và các địa phương tham gia trong vai trò vận động, kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối, cung cấp thông tin, hỗ trợ đầu tư chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu... Nói cách khác, cuộc vận động không còn là chương trình riêng lẻ của từng địa phương mà mở rộng quy mô liên tỉnh.