Mặt hàng bóp, túi xách hay bị nhái thương hiệu. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tại một cuộc hội thảo vừa diễn ra ở TPHCM, ông Nguyễn Việt Khôi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mediworld, bức xúc chia sẻ câu chuyện của doanh nghiệp (DN) mình. Đó là viên uống chống nắng của DN bị chính nhân viên cũ đã nghỉ việc làm giả. Bức xúc ở chỗ, nhân viên này tổ chức hội thảo rầm rộ, quảng bá sản phẩm khắp nơi, đặt gia công sản phẩm để đem bán ở khắp các tỉnh thành. Còn ông Lý Thành Công, đại diện nhà phân phối máy tính Casio tại Việt Nam, cho biết hàng thật vừa tung ra thị trường thì chưa đầy tháng sau hàng giả đã xuất hiện, giá bán tương đương hàng chính hãng. Các trang mạng bán hàng giả còn hướng dẫn cho khách cách phân biệt hàng thật - giả ra sao nữa. “Có tình trạng hàng thật sợ hàng giả”, một DN giấu tên cho hay.
Ông Trần Văn Dũng, Tổng cục Quản lý thị trường, nhìn nhận vấn nạn hàng giả đã “bào mòn sức khỏe” của DN làm ăn chân chính. Tuy vậy, việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng đang vấp phải một số rào cản. Vì để kết luận hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ, bắt buộc phải có chủ sở hữu. Trường hợp không liên lạc được với chủ sở hữu, sẽ khó xử lý được chủ lô hàng. Thương mại điện tử phát triển, có mặt trái là hàng giả dễ dàng được “phát tán”, trong khi đó, nhiều cơ quan chuyên trách lại rất lúng túng trong ứng phó.
Đáng chú ý, có thực tế việc xử phạt mỗi nơi mỗi khác. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương, dẫn chứng cùng vụ việc nhưng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ kết luận A, Thanh tra Bộ KH-CN kết luận B, Cục Sở hữu trí tuệ kết luận C… Tức là cùng một vụ việc, bản chất vấn đề giống nhau, nhưng có đến 3 kết luận khác nhau.
Như vậy, mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi cách làm việc, tháo gỡ ngay các lực cản, những vướng mắc. Nếu các cơ quan chuyên trách vẫn vận dụng phương pháp cũ, cách làm cũ, chậm áp dụng công nghệ vào công cuộc đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại, thì kết quả thu được sẽ không cao.
THI HỒNG - (sggp.org.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)