Nhiều câu hỏi cần làm rõ
Theo nội dung đơn tố cáo khẩn cấp, DN trên đã ký kết hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Hùng Quang, do ông Trần Hùng làm Giám đốc (địa chỉ 89 Đô Đốc Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM) để được cung cấp, lắp đặt thiết bị thang máy vận tải khách, tải hàng mang nhãn hiệu Mitsubishi với giá trị 2,6 tỷ đồng, tất cả các thiết bị được sản xuất từ 2017 trở về sau và được nhập khẩu từ nhà máy của Mitsubishi châu Á, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định của hồ sơ hợp đồng, phải có giấy chứng nhận xuất xứ (CO) và giấy chứng nhận chất lượng (CQ) của nhà sản xuất kèm theo catalogue, chứng từ, tờ khai hải quan nếu là thiết bị nhập khẩu.
Tuy nhiên, khi thanh toán tiền đợt 2 và nhận linh kiện, Công ty VLP đã phát hiện hàng loạt mâu thuẫn trong hồ sơ giấy tờ nhập khẩu, hải quan… nên đã mời các chuyên gia của hãng thang máy Mitsubishi tới kiểm tra thì nhận được văn bản xác nhận chính thức của Mitsubishi là các sản phẩm thang máy Mitsubishi Công ty Hùng Quang bán cho VLP không phải do Mitsubishi sản xuất và Công ty Hùng Quang cũng không phải là đại lý của Công ty Thang máy Mitsubishi.
Do đó, đại diện pháp lý của Mitsubishi là Công ty Luật T&G đã có 2 công văn số 646/2019-TGVN ngày 20-3-2019 và số 1337/2019-TGVN ngày 14-6-2019 gửi cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương yêu cầu điều tra, xử lý hình sự hành vi lắp ráp, kinh doanh, tàng trữ hàng giả và vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ.
Tiếp xúc với phóng viên Báo SGGP, ông Văn Khắc Thông, Giám đốc Công ty VLP, bức xúc: Trước khi đi đến các bước tố tụng như hiện nay, công ty đã yêu cầu nhà thầu Hùng Quang giải trình, bổ sung các nội dung cần thiết để đảm bảo lắp đặt một thang máy chất lượng tốt do hãng Mitsubishi sản xuất nhưng đáp lại là các văn bản trả lời thiếu trọng tâm, không phù hợp, né tránh của Công ty Hùng Quang, trong đó có việc DN này đã hợp tác với Công ty Hisa để nhập khẩu các thiết bị chính và cabin sản xuất tại Việt Nam, trong khi Mitsubishi xác định không có đối tác nào như vậy.
Và trong hợp đồng Công ty Hùng Quang ký với VLP cũng không có điều khoản nào cho phép Hùng Quang được hợp tác, cung cấp thiết bị, sản phẩm qua nhà thầu phụ hoặc qua một đơn vị khác. Chúng tôi đã cân nhắc đến độ an toàn khi vận hành và các quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nên bắt buộc phải làm đơn tố cáo.
Đến nay, hồ sơ về vụ bán thang máy giả mạo nhãn hiệu Mitsubishi đã có đủ tài liệu, vật chứng, nạn nhân và Mitsubishi cũng đã có công văn khẳng định Công ty Hùng Quang bán hàng thang máy Mitsubishi giả mạo cho VLP nên vụ án cũng đã rõ ràng.
Các chuyên gia của Công ty TNHH thang máy Mitsubishi Việt Nam kiểm tra xuất xứ và chất lượng thang máy mà Công ty Hùng Quang bán cho Công ty VLP
Được sự hỗ trợ của luật sư, mới đây chúng tôi đã gửi đơn tố cáo vào 2 hành vi là sản xuất, buôn bán kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và đang chờ kết quả từ cơ quan chức năng. Ông Văn Khắc Thông cũng nêu rõ, chúng tôi kiện Công ty Hùng Quang là kiện hành vi bán hàng giả chứ không phải kiện việc bán hàng nguyên chiếc hay hàng lắp ráp linh kiện.
Vì đã là hàng thang máy giả thì nguyên chiếc hay linh kiện rời cũng đều là hàng giả mạo, không phải do chủ sở hữu thương hiệu và là nhà sản xuất thang máy Mitsubishi sản xuất ra. Trong khi Công ty Hùng Quang lại tự nhận mình là đại lý của Công ty Thang máy Mitsubishi qua danh thiếp, hồ sơ năng lực, hồ sơ giới thiệu doanh nghiệp, hồ sơ chào giá.
Về nội dung tố cáo của Công ty VLP cho rằng Công ty Hùng Quang giả nhãn hiệu hàng hóa, lừa người tiêu dùng, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Trần Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Quang thì nhận được trả lời, mọi vấn đề liên quan đang được cơ quan chức năng giải quyết và DN này đã kiện Công ty VLP về hành vi vi phạm hợp đồng, hiện đang chờ TAND thị xã Thuận An xét xử.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập nội dung: Công ty Mitsubishi đã có thư trả lời công ty không phải là đại lý và các sản phẩm có nhãn hiệu theo hợp đồng với Công ty VLP không phải sản phẩm do Mitsubishi sản xuất và cung cấp thì người này không trả lời trực tiếp với lý do không có thời gian. Khi PV đề nghị gặp trực tiếp thì người này từ chối và trả lời rằng điều đó là không cần thiết.
Đủ yếu tố cấu thành “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo SGGP, Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC46) Công an tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan chức năng đã căn cứ vào nhiều yếu tố để giải quyết tố cáo, khiếu nại, nếu DN chưa đồng ý thì tiếp tục gửi đơn đến Viện KSND tỉnh Bình Dương để xử lý theo đúng quy định.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thị Bích Liên (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Nguyễn, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, với các văn bản khẳng định của Công ty Mitsubishi có thể nói rằng hành vi giả mạo tên thương mại của tập đoàn này nhằm mục đích trục lợi của ông Trần Hùng và Công ty Hùng Quang đã đủ yếu tố cấu thành “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, với hành vi sử dụng nhãn hiệu thang máy nổi tiếng của Mitsubishi để in trên card visit, hồ sơ giới thiệu công ty, quảng cáo, chào giá... làm cho Công ty VLP nhầm tưởng Công ty Hùng Quang là nhà phân phối chính thức sản phẩm thang máy của Mitsubishi mà dẫn đến ký kết hợp đồng.
Hành vi ngang nhiên xâm phạm quyền sở hữu về nhãn hiệu nổi tiếng Mitsubishi để kinh doanh trục lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế và uy tín thương hiệu của Tập đoàn Mitsubishi, ông Trần Hùng và công ty còn có thể bị xử lý về “Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Theo ông Thông, ông tin tưởng vào sự công minh của cơ quan chức năng và mong muốn vụ án sẽ được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra đến nơi đến chốn không chỉ vì bảo vệ quyền lợi chính đáng cho riêng DN của mình mà còn bảo vệ cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo môi trường đầu tư tốt cho các DN nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.