Khách hàng lựa chọn sản phẩm điện máy tại siêu thị Media Mart đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội).
Giảm giá “sốc”
Với cách thức quảng cáo giật gân, giảm giá lên tới 50%, hệ thống siêu thị điện máy Media Mart đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô. Theo khảo sát, các mặt hàng điện lạnh được giảm giá lên tới 41%. Cụ thể, điều hòa nhãn hiệu Sharp, loại 9000 BTU, inverter giảm 27%, từ 9,4 triệu đồng xuống còn hơn 6,8 triệu đồng/chiếc; điều hòa LG 9200 BTU giảm 24%, từ gần 10 triệu đồng xuống còn 7,5 triệu đồng/chiếc; quạt điều hòa nhãn hiệu Boss, dung tích 14 lít giảm 41%, xuống còn gần 4 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh giảm giá sốc, siêu thị còn đưa ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn như mua điều hòa tặng thêm vật tư và công lắp đặt. Ngoài mặt hàng điện lạnh, các mặt hàng điện máy cũng được điều chỉnh giảm từ 10% đến 43% như ti-vi Sony loại 55 inch giảm 41%, xuống còn 12,9 triệu đồng/chiếc; máy giặt Electrolux loại 8 kg, từ gần 12 triệu đồng giảm còn 9,4 triệu đồng/chiếc,...
Tương tự, tại hệ thống siêu thị Điện máy xanh, siêu thị điện máy Pico cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lên tới 50% cùng tặng quà kèm theo tương ứng với từng mặt hàng, chủng loại. Anh Phạm Đức Thắng, nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do vào dịp cao điểm của mùa hè cùng với khí hậu nắng nóng, oi bức, để “giảm nhiệt” khách hàng tìm đến mua sản phẩm điện lạnh khá đông đúc. Riêng mặt hàng máy điều hòa không khí, mỗi ngày siêu thị bán gần 200 chiếc, cá biệt có hôm lên tới gần 400 chiếc. Ngoài mặt hàng máy điều hòa, các sản phẩm làm mát khác như quạt điều hòa, tủ lạnh, quạt phun sương,… cũng được nhiều người quan tâm, lựa chọn sử dụng. “Nếu thời tiết tiếp tục oi nóng kéo dài, chắc chắn lượng người mua hàng sẽ tăng cao trong thời gian tới” - anh Thắng nhận định.
Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ cửa hàng điện máy trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, do tác động của dịch Covid-19 và để kích cầu tiêu dùng cho nên các nhà sản xuất đều có xu hướng giữ nguyên giá sản phẩm, thậm chí, có không ít DN giảm giá bán, tăng chiết khấu để đẩy lượng hàng tồn kho, thu hồi vốn để tái sản xuất. Dịp nắng nóng kéo dài vừa qua khiến người mua hàng tăng đột biến, có hôm cửa hàng bị “cháy hàng” vì nguồn hàng không về kịp. Cửa hàng cũng đã lên phương án thuê thêm kho bãi, chuẩn bị đủ hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đề cập tới việc chủ động nguồn hàng trong hệ thống, đại diện hệ thống siêu thị điện máy Media Mart cho biết, hằng năm DN đều đàm phán, ký thỏa thuận với các hãng, các nhà cung cấp nhằm bảo đảm về lượng hàng cung ứng, chính sách bảo hành, chính sách giá, quà tặng đi kèm. Hơn 30 nghìn mặt hàng được trưng bày tại 105 siêu thị Media Mart cũng như sẵn sàng ở hệ thống kho hàng của Media Mart trên toàn quốc. Đồng thời hàng hóa liên tục được bổ sung ngay trong ngày từ các nhà cung cấp, nhà phân phối.
Bước vào mùa hè 2020, nhu cầu mua sắm các sản phẩm ti-vi, điều hòa, tủ lạnh, quạt, máy xay sinh tố,… tăng cao. Lường trước được điều đó, Media Mart đã đàm phán với các hãng, các nhà cung cấp từ khá sớm nhằm bảo đảm về lượng hàng cung ứng. Đồng thời, Media Mart cũng đưa ra nhiều chính sách, chương trình khuyến mãi với nhiều ưu đãi như tài trợ giá trực tiếp từ 15 đến 50%, tặng thêm quà giá trị. Trong đó, mức giảm giá sâu tập trung đối với các sản phẩm mùa vụ được nhiều người quan tâm, tìm mua. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là kim chỉ nam của Media Mart khi xây dựng các chính sách bán hàng, các chương trình ưu đãi của mình. Điều đó thể hiện rõ nét qua những cam kết của Media Mart với người tiêu dùng về chất lượng, giá cả sản phẩm của Media Mart trong suốt thời gian qua.
Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường
Việc đẩy mạnh quảng cáo nhằm thu hút khách hàng là hướng đi đúng và được nhiều DN áp dụng để tăng lượng hàng hóa bán trên thị trường. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường, đặc biệt vì lợi nhuận nên một số đối tượng sẵn sàng tuồn hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng ra thị trường. Điều đó không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, thương hiệu của DN làm ăn uy tín mà còn gây phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Liên quan vấn đề này, anh Trần Trọng Chiến, chủ cửa hàng sửa chữa điện lạnh, điện tử trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong quá trình sửa chữa hàng cho khách, có rất nhiều sản phẩm vỏ ngoài được ghi tên các nhãn hiệu, thương hiệu có uy tín nhưng thực chất bên trong lại là hàng chất lượng thấp. Việc này tồn tại do các đối tượng vì hám lợi đã đặt các cơ sở trong nước sản xuất hoặc sang nước ngoài đặt hàng theo giá thấp, sau đó nhập về Việt Nam và “phù phép” để đưa vào các cửa hàng điện máy tiêu thụ.
Chính vì vậy, để kiểm soát về chất lượng, đòi hỏi các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Chung quan điểm, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Vũ Vinh Phú khẳng định, thị trường điện máy hiện nay rất phức tạp, nếu không có sự quản lý tốt sẽ tồn tại tình trạng “vàng thau” lẫn lộn. Hàng lỗi, hàng mẫu, đã qua sử dụng không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn được các cửa hàng, siêu thị “vô tư” đóng hộp bán cho khách hàng. Các chương trình khuyến mãi diễn ra rầm rộ nhưng thực chất giá sản phẩm gốc là bao nhiêu là vấn đề đáng xem xét, phản ánh. Tiếp đến, dịch vụ bảo hành, bảo trì sau bán hàng hiện cũng là điều hết sức khó khăn vì đa phần sau công đoạn mua bán, trả tiền xong, phần lớn quyền lợi của khách hàng bị rơi vào “lãng quên”. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mang xuất xứ của Đức, I-ta-li-a, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Thái-lan,… nhưng lại rất khó phân biệt đâu là hàng chính hãng. Bởi có sản phẩm nhìn bề ngoài nhãn mác của Thái-lan nhưng kiểm tra ruột lại là hàng Trung Quốc. Tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế, không viết hóa đơn VAT vẫn diễn ra ngang nhiên dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu sức cạnh tranh của những DN làm ăn chân chính.
Do đó, các DN cần mạnh dạn tố cáo các hành vi vi phạm, cố tình nhái, làm giả sản phẩm của mình đến các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Đối với người tiêu dùng, cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi mua; thậm chí, tẩy chay các cơ sở, DN bán hàng kém chất lượng, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Khi mua hàng phải lấy đầy đủ các hóa đơn, chứng từ để nhỡ xảy ra sự cố còn có căn cứ để giải quyết vụ việc. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường và chính quyền sở tại cần tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Có như vậy mới tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo điều kiện để các DN đẩy mạnh sản xuất, phát triển.
BÀI VÀ ẢNH: MINH ĐỨC - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)