Sản xuất gạo sạch thương hiệu Đồng An vì mục đích cộng đồng

Thứ tư, 20 Tháng 6 2018 09:58 (GMT+7)
ừ sự trăn trở với nông nghiệp tỉnh nhà, bà Hồ Thị Kim Gương - một phụ nữ U60 (xã Hòa An, TP.Cao Lãnh) đã bắt tay vào sản xuất gạo hữu cơ đáp ứng nhu cầu người người tiêu dùng...

Bà Hồ Thị Kim Gương bên sản phẩm gạo sạch Đồng An

Trước đây, bà Hồ Thị Kim Gương là một phụ nữ chỉ quen với công việc chăm sóc gia đình, chưa bao giờ bà nghĩ đến một ngày mình sẽ khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vào năm 2016, bà Gương khá bất ngờ khi nghe thông tin trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện gạo giả có thể đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Từ đó, bà Gương trăn trở nhiều hơn với nông nghiệp tỉnh nhà và suy nghĩ: “Tại sao mình không sản xuất ra một loại gạo sạch, không hóa chất để phục vụ gia đình, người thân và người tiêu dùng”.

Nghĩ là làm, bà Gương bắt đầu mày mò, tìm hiểu về quy trình sản xuất gạo hữu cơ. Đối với phân bón, bà Gương được người quen giới thiệu Công ty ACM (TP.Hồ Chí Minh) có loại phân hữu cơ sạch, phù hợp với hướng sản xuất này. Bà Gương như được tiếp thêm “sức mạnh”, lập tức bắt xe lên TP.Hồ Chí Minh để tìm hiểu những điều người bạn chia sẻ.

Điểm nổi bật của loại phân bón này là bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, giúp cây lúa tăng sức đề kháng để phòng bệnh và quan trọng là không gây ô nhiễm môi trường. Tuy loại phân bón này không làm cho cây lúa có màu xanh mướt, nhưng giúp cây lúa cứng rạ, không ngã đổ, năng suất đảm bảo không thua cách sử dụng phân bón hóa học.

Chấp nhận với cách thức sản xuất mới, bà Gương lấy phân bón về và áp dụng theo quy trình hữu cơ trên cánh đồng 4.000m2 trong vụ đông xuân năm 2017. Ý định sản xuất ban đầu chủ yếu là phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình và bạn bè thân quen.

Gạo Đồng An đạt chứng nhận sản phẩm an toàn

Bà Hồ Thị Kim Gương kể lại những ngày đầu “se duyên” với mô hình: “Thấy tôi canh tác lúa theo phương pháp mới, bà con xung quanh bảo tôi gàn dở, không làm được đâu. Chỉ có sản xuất theo cách truyền thống, bón phân thuốc hóa học thì cây lúa mới phát triển được, chứ việc canh tác theo hướng quay về tự nhiên thì chẳng có một hạt gạo mà ăn”.

Không vì thế mà nản lòng, bà Hồ Thị Kim Gương đã thuyết phục được gia đình cùng làm gạo sạch và chọn giống lúa thích hợp nhất vào gieo trồng dưới sự hướng dẫn của mình. Tháng 3/2017, bà Gương thu hoạch vụ đầu tiên và đem mẫu gạo gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TPHCM) để kiểm tra hàm lượng chất gây hại trong sản phẩm. Kết quả các mẫu thử đều nhận được thông số với thành phần Nitrat đạt chỉ 31,5mg/kg – đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng.

Xúc động đến rơi nước mắt, từ kết quả này, bà tự tin giới thiệu sản phẩm gạo an toàn của mình để gia đình dùng thử. Mọi người đều đánh giá gạo thơm và ngọt hơn so với gạo sản xuất thông thường. Từ đó, bà Gương tự tin hơn với quy trình sản xuất gạo sạch và tiếp tục tăng diện tích canh tác lên gấp đôi với 8.000m2.

Đến vụ thứ 3, biết được dự án sản xuất gạo sạch của bà Gương vì mục đích cộng đồng đã có 5 cộng sự - là những người có cùng ý tưởng đăng ký tham gia vào mô hình. Diện tích sản xuất theo mô hình cũng lần lượt tăng lên với 13ha.

Vạn sự khởi đầu nan, những khó khăn đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện. Để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, bà Gương đã tiến đến liên kết sản xuất với người dân. Tuy nhiên, một số người nông dân đã quen với phương thức sản xuất cũ, không tuân thủ theo quy trình nên đôi lúc hai bên không đồng thuận. Nhằm đảm bảo chất lượng, bà Gương chuyển sang hình thức thuê đất canh tác và thuê chủ đất thực hiện sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ.

Khách tham quan mô hình sản xuất gạo sạch Đồng An

Sau 1 năm, diện tích sản xuất của bà tăng lên 60ha, tập trung ở TX.Hồng Ngự, huyện Tam Nông và TP.Cao Lãnh. Qua kết quả sản xuất trên 60ha cho thấy, cây lúa đạt năng suất tốt, giá thành chấp nhận được, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với cùng diện tích canh tác theo phương pháp sử dụng thuốc hóa học. Trên nền đất này, các vụ tiếp theo sẽ từng bước giảm lượng phân bón do tăng nhiều vi sinh vật có lợi, đất không bị chai như sử dụng phân, thuốc hóa học, đồng thời chất lượng gạo ngày càng sạch hơn.

Khi đã sản xuất được gạo theo hướng hữu cơ, bà Gương bắt tay vào công đoạn thiết kế bao bì, nhãn mác và thực hiện hành trình đưa gạo sạch đến tay người tiêu dùng. Bà Gương chia sẻ: “Sản xuất được sản phẩm sạch đã khó, làm thế nào để người tiêu dùng tin đó là sạch còn khó hơn gấp bội”.

Cách tiếp cận thị trường đầu tiên của thương hiệu gạo sạch Đồng An chính là bán sản phẩm tại các phiên chợ, hội chợ nông nghiệp. Bên cạnh đó còn nhờ sự hỗ trợ từ các cộng sự, việc tăng cường mở cửa hàng để giới thiệu gạo Đồng An đến những người quen, bạn bè.

Hiện nay, mặc dù đầu ra sản phẩm chưa nhiều nhưng tín hiệu vui là gạo Đồng An được khách hàng đón nhận rất tích cực. Để sản phẩm gạo mang tính đa dạng, thuận tiện cho khách hàng làm quà biếu tặng, bà Gương đang thiết kết bao bì sản phẩm gạo có nhiều kích cỡ khác nhau.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phân khúc thị trường, bà Gương đang tiến hành sản xuất thêm 20ha gạo theo hướng VietGAP để đưa vào hệ thống các siêu thị Coop Mart, Sài Gòn Xanh với một mong muốn duy nhất là giúp người dùng bảo vệ sức khỏe.

Khi đã thành công với mô hình gạo sạch, nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, bà Hồ Thị Kim Gương cho biết: “Giờ nghĩ lại những ngày đầu bắt tay với mô hình, tôi còn thấy ngán ngại. Thời gian đó, gia đình và các con đã hết lời khuyên giải. Tuy nhiên, mọi người thấy tôi say mê quá, làm nông nghiệp lúc nào cũng tràn trề năng lượng... nên đều ủng hộ, đặc biệt là các con tôi. Nếu không có họ, chắc chắn không có gạo sạch Đồng An như ngày hôm nay”.

Nguồn: Thảo Vy - (baodongthap.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm