Nhu cầu sử dụng mì ăn liền toàn cầu năm 2022 đã tăng lên mức kỷ lục 121,2 tỉ gói. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp ghi nhận nhu cầu sử dụng loại thực phẩm công nghiệp này tăng.
Tính toán của Hiệp hội Mì gói thế giới (WINA) cho thấy số lượng gói mì bán ra trên toàn cầu năm ngoái tăng gần 2,6% so với năm 2021. Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) là thị trường tiêu thụ mì gói hàng đầu thế giới trong năm này, Indonesia đứng thứ hai, tiếp đó đến Ấn Độ, Việt Nam và Nhật Bản.
Nguyên nhân khiến tiêu thụ mì gói tăng mạnh trong năm 2022 được cho là bởi ảnh hưởng của lạm phát trên toàn cầu. Sản phẩm mì gói với giá cả hợp lý được người tiêu dùng nhiều quốc gia lựa chọn.
Theo báo cáo gần đây của Vantage Market Research (Ấn Độ), thị trường mì ăn liền toàn cầu đạt giá trị 52,65 tỉ USD vào năm 2022 và dự kiến tăng lên 79,58 tỉ USD vào năm 2030. Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors dự đoán tổng doanh thu của mặt hàng mì ăn liền tăng từ 45,67 tỉ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỉ USD vào năm 2026; tăng trưởng doanh thu trung bình đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
Mì ăn liền luôn là sản phẩm trong tốp bán chạy nhất tại các siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG AN
Không đứng ngoài xu hướng thế giới, tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023. Số liệu của WINA ghi nhận trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong tốp 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới. Riêng năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 8,48 tỉ gói mì, tăng gấp hơn 1,5 lần so với năm 2019.
Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp (DN) sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, bao gồm cả DN trong nước và nước ngoài. Thị trường tiêu thụ mì ăn liền ở Việt Nam trong giai đoạn đại dịch COVID-19 ở mức rất cao nên dù có sự sụt giảm trong năm 2022 thì vẫn cao hơn đáng kể so với giai đoạn năm 2018-2020. Thị trường sản phẩm thực phẩm công nghiệp này cũng đang lấy lại đà tăng trưởng tốt trong 9 tháng đầu năm 2023.
Thống kê của các hệ thống bán lẻ cho thấy mì và các sản phẩm bún, phở... ăn liền luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng tiêu thụ tốt nhất của các siêu thị. Mì ăn liền cũng là một trong những mặt hàng có sự cạnh tranh mạnh mẽ nhất về giá giữa các siêu thị.
Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc marketing hệ thống MM Mega Market, cho biết mặt hàng mì ăn liền được nhà cung cấp đồng thời là DN sản xuất kiểm soát giá rất chặt, yêu cầu nhà phân phối không bán thấp hơn giá bán lẻ đề nghị nên khó chạy chương trình khuyến mãi. Mặc dù vậy, mặt hàng này luôn tiêu thụ tốt và có tỉ lệ tăng trưởng ổn định. Riêng tại hệ thống này, 70% doanh thu mì ăn liền đến từ nhóm khách hàng là các cửa hàng tạp hóa.
Tại hệ thống siêu thị Emart, ông Lê Hữu Tình, quản lý cấp cao marketing Công ty TNHH Thiso Retail (sở hữu siêu thị Emart), cho hay 9 tháng năm 2023, sản lượng và doanh số sản phẩm mì ăn liền tăng lần lượt 25% và 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 9-2023, mức tăng trưởng sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái là 30% và tăng trưởng doanh số là 34%.
Những năm gần đây, thị trường mì ăn liền Việt Nam có sự so kè mạnh mẽ giữa các DN lớn như Acecook, Masan, Asia Food, Vifon, Uniben... Nhiều loại mì nhập khẩu hay sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp đã có mặt trên quầy kệ của các siêu thị.
Tuy nhiên, theo các DN bán lẻ, mì ăn liền thuộc phân khúc bình dân với giá dưới 5.000 đồng/gói có sức tiêu thụ mạnh nhất. Sự có mặt của mì ăn liền phân khúc cao cấp chỉ nhằm đa dạng hóa sản phẩm và phục vụ nhóm khách hàng nhỏ.
Xét về thị phần, Acecook và Masan đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33%. Ông Kajiwara Junichi, Chủ tịch HĐQT Công ty Acecook Việt Nam, cho biết năm 2022, công ty bán ra thị trường Việt Nam 3,3 tỉ gói mì.
Cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm
Theo các DN sản xuất mì ăn liền, từ đầu năm 2023, tình hình lạm phát khiến hầu hết nguyên liệu đầu vào tăng giá nên DN gặp khó khăn.
Ông Kajiwara Junichi cho biết để giữ vững vị thế trên thị trường, Công ty Acecook Việt Nam đã giảm giá các sản phẩm chủ lực như mì Hảo Hảo, phở Đệ Nhất với mức giảm 500 đồng/gói. Công ty cũng liên tục cải tiến, đa dạng hóa sản phẩm, bổ sung các loại nông sản, khoáng chất... vào sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng giai đoạn mới.