Để vụ lúa thu đông bội thu

Thứ hai, 02 Tháng 7 2018 09:49 (GMT+7)
Hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành đang tiến hành vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị sẵn sàng cho việc xuống giống vụ lúa thu đông (TĐ) 2018.

Nông dân chú trọng khâu làm đất trước khi gieo sạ

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, dựa vào tình hình rầy nâu di trú trên địa bàn, ngành nông nghiệp đã bố trí lịch thời vụ xuống giống lúa TĐ 2018, gồm 2 đợt chính. Đợt 1 từ ngày 25 – 30/6/2018 (nhằm ngày 12 – 17/5 âm lịch); đợt 2 từ ngày 15 – 20/7/2018 (nhằm ngày 3 – 8/6 âm lịch). Đây là thời điểm xuống giống đảm bảo an toàn, tập trung, đồng loạt và né được rầy...

Ông Nguyễn Ngọc Việt, Phó Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành thông tin: “Chủ trương của huyện là thời gian xuống giống dứt điểm trước ngày 20/7/2018 để tránh ảnh hưởng bởi nước lũ vào cuối vụ. Đồng thời, ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực vận động nông dân đảm bảo thời gian cách ly giữa hai vụ lúa, tuân thủ theo nguyên tắc gieo sạ tập trung, đồng loạt nhằm tránh tác hại gây ra do rầy, sâu bệnh...”.

Vụ lúa TĐ 2018, toàn huyện Châu Thành gieo sạ với diện tích khoảng 10.500ha. Để mùa vụ này đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân gieo sạ lúa tập trung theo đúng lịch khuyến cáo. Trong đó, vận động nông dân tuân thủ nghiêm ngặt lịch né rầy, không gieo sạ rải rác để tránh tình trạng có nhiều trà lúa trên cùng một cánh đồng, tạo điều kiện cho rầy nâu, dịch bệnh có nơi lưu trú, phá hại.

Ông Mai Văn Hột ngụ xã Phú Long cho biết: “Theo khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất của ngành nông nghiệp, gia đình tôi cũng như bà con nông dân tại địa phương đang tập trung cho các khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng để kịp xuống giống theo đúng lịch thời vụ. Đây là những công đoạn quan trọng, góp phần đảm bảo năng suất lúa vào cuối vụ”.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn khuyến cáo nông dân trong việc thay đổi cơ cấu giống lúa. Trong đó, huyện định hướng giảm mạnh diện tích sử dụng giống lúa IR50404, tăng cường xuống giống các giống lúa có khả năng kháng rầy, dịch bệnh cao thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương như: OM 5451, Đài thơm 8, OM 6976, OM 4088...

Ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho hay: “Được sự chỉ đạo của huyện, đơn vị sẽ tăng cường theo dõi bẫy đèn, điều tra tình hình dịch hại để hướng dẫn kịp thời cho nông dân các biện pháp phòng trừ hiệu quả; phối hợp với ngành hữu quan, địa phương theo dõi tình hình sản xuất của bà con. Đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng bán hàng gian, hàng kém chất lượng”.

Nguồn: Hoài Minh - (baodongthap.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm