Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đột ngột sụt giảm?

Thứ ba, 24 Tháng 7 2018 10:20 (GMT+7)
Trung Quốc là thị trường chính của gạo Việt Nam nhưng nước này ngày càng siết chặt nhập khẩu khiến một số doanh nghiệp không kịp thích ứng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,6 triệu tấn, thu về 1,8 tỉ USD, tăng 24,6% về khối lượng và tăng 42,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Thống kê cụ thể cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 30% thị phần. Tuy nhiên, thị phần của Trung Quốc đã giảm so với mức 40%-50% của vài năm trước.

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã nhập 844.100 tấn gạo từ Việt Nam, trị giá 449,4 triệu USD, giảm 21,1% về khối lượng và giảm 7,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Vì sao xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đột ngột sụt giảm? - Ảnh 1.

Thị trường nhập khẩu gạo ngày càng đòi hỏi cao về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc

Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, một trong những nguyên nhân khiến thị trường Trung Quốc sụt giảm là do nước này thay đổi chính sách nhập khẩu từ năm 2017. Theo đó, chỉ có 22 DN trong tổng số hơn 150 DN có giấy phép xuất khẩu gạo của Việt Nam được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu sau khi thanh tra thực tế tại Việt Nam. Đến đầu năm 2018, có 3/22 DN trên bị Trung Quốc rút giấy phép do vi phạm quy định của họ về kiểm dịch thực vật.

Ngoài ra, từ 1-7-2018, Trung Quốc điều chỉnh thuế nhập khẩu gạo bao gồm cả gạo nếp lên 40%-50% (trừ gạo tấm) cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ Cao Trung An (Cần Thơ), một trong 19 DN được xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, cho biết tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường này của DN vẫn có tăng trưởng. "Chúng tôi xuất khẩu hàng ở phân khúc chất lượng cao nên ít bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi các chính sách nhập khẩu của Trung Quốc. Do Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới dài, khi chính quyền ít kiểm soát thì việc buôn bán tiểu ngạch (buôn lậu) dễ dàng. Nhưng gần đây, Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới để chuyển dịch sang nhập khẩu chính ngạch nhằm quản lý chất lượng, tránh thất thu thuế. Những DN có đầu tư bài bản, làm ăn lâu dài cũng muốn xuất khẩu chính ngạch để tránh rủi ro. Do đó, vấn đề này theo tôi không nên cho rằng Trung Quốc làm khó Việt Nam mà các DN phải xem lại mình có tuân thủ được yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu hay không" – ông Bình thẳng thắn.

Không chỉ riêng ngành gạo, các loại nông sản thực phẩm khác như: trái cây, hạt điều, thủy sản… Trung Quốc cũng đang quản lý nhập khẩu ngày càng chính quy, tương tự như các nước Mỹ, châu Âu đang áp dụng.

Trung Quốc không chỉ thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản với riêng Việt Nam mà với tất cả các nước. Về gạo, đối thủ chính của Việt Nam là Thái Lan cũng chỉ có 17 DN được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu; hay như Mỹ, Bộ Nông nghiệp Mỹ phải mất hơn 15 năm đàm phán Trung Quốc mới mở cửa cho gạo Mỹ vào năm 2017.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Miền Nam, cho biết 6 tháng xuất khẩu gạo tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái với sản lượng 3,3 triệu tấn gạo, giá bán bình quân 490 USD/tấn (tăng 24% về số lượng và tăng 38% giá trị). Tuy nhiên, từ ngày 15-6 đến 15-7, xuất khẩu có giảm là do hết hợp động tập trung. Ngoài ra, một số nước tiêu thụ gạo giảm đột ngột nhu cầu, trong đó có thị trường Trung Quốc giảm tiến độ nhập khẩu do nước này tăng thuế.

Vấn đề giá xuất khẩu tại sao giảm cũng được ông Kiên lý giải là do những tháng đầu năm có giá tốt, do ký được các hợp đồng tập trung với giá cao. Nay giá xuất khẩu từ 385-400 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn nhưng vẫn còn cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung từ Thái Lan, Ấn Độ đang khá dồi dào nên ảnh hưởng đến giá gạo thế giới.Ng.Hải

Nguồn: Ngọc Ánh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm