Báo cáo nhiều nguồn dự báo quý IV/2018 ngành hàng tiêu dùng nhanh, trong đó có thực phẩm chế biến sẽ tăng trưởng; chiếm tỉ lệ cao nhất là sữa, sau đó là thức ăn nhanh tiện lợi như mì gói, xúc xích.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo Công ty Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Tổ chức BMI dự đoán tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016- 2019, trong đó khả năng Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ ba châu Á.
Khách hàng mua thực phẩm chế biến tại một siêu thị ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ dân số trẻ, thu nhập cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú cùng với sự dồi dào các sản phẩm nông nghiệp... đang là những lợi thế để các doanh nghiệp (DN) đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Tại TP HCM, thống kê cho thấy sản xuất chế biến thực phẩm trong 10 tháng năm 2018 tăng 8,69% (cùng kỳ tăng 5,16%), sản xuất đồ uống tăng 4,57% (cùng kỳ tăng 2,63%). Mức tăng này đủ lớn để hấp dẫn các DN tăng tốc đầu tư, nắm bắt cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Công Thương TP HCM, trên địa bàn hiện có 2.279 cửa hàng tiện lợi, tăng 507 cửa hàng so cuối năm 2017 cùng với 4.127 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi kinh doanh thực phẩm và đồ uống ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp đã và đang giúp các DN ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.
Phó tổng giám đốc một công ty thực phẩm lớn tại TP HCM cho biết tính từ tháng 6 đến nay, sản lượng xúc xích của công ty cung ứng ra thị trường đã tăng 15% - 20%. Công ty phải đầu tư thêm một máy đóng gói xúc xích mới đáp ứng kịp các đơn hàng. "Tốc độ tiêu thụ mặt hàng xúc xích tăng nhanh là ví dụ cho xu hướng tiêu dùng các mặt hàng ăn nhanh, tiện lợi, có thể kết hợp với nhiều món ăn khác, phân phối dễ dàng và giá cả hợp lý. Đặc biệt, phù hợp với giới trẻ qua hệ thống B’smart, Circle K, Family Mart… Để phục vụ cho các đối tượng này, các nhà sản xuất đã thay đổi quy cách và trọng lượng hàng hóa đóng gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của cá nhân và dễ dàng mang theo sử dụng trên đường đi" - vị phó tổng này nhận định.
Tiện lợi nhưng phải chất lượng
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các DN phân phối trong và ngoài nước trên thị trường bán lẻ, các DN nội đang đẩy mạnh đầu tư, liên kết nhằm mở rộng quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh. "Các DN Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, khẩu vị, nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Nhiều yếu tố khác cộng lại giúp cho nhóm các DN trong ngành thực phẩm, đồ uống trở thành những DN thương hiệu mạnh có uy tín trong nước và xuất khẩu" - một lãnh đạo Sở Công Thương TP cho biết.
Xu hướng tiêu dùng nhanh hướng đến sự tiện lợi, kèm theo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng. Thành công của mặt hàng cháo tươi dinh dưỡng của Công ty CP Saigon Food đã mở đường cho hàng loạt mặt hàng thực phẩm đóng gói "cao cấp" như bún bò Huế, phở bò, hủ tiếu Nam Vang, mì Ý… chế biến sẵn. Người tiêu dùng chỉ cần mua về, làm nóng trong 5-7 phút là có thể thưởng thức được.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, nhận xét xu hướng mới hiện nay là người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn đối với sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Các DN hội viên của Hội Lương thực - Thực phẩm TP đang hướng tập trung phát triển đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng xu hướng trên. Cũng theo bà Chi, nhiều DN trong nước đã xây dựng được uy tín thương hiệu, đầu tư cho chất lượng sản phẩm nên đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), ngoài việc nghiên cứu sáng tạo, Vissan cập nhật các xu hướng ăn uống mới đồng thời khảo sát tâm lý người tiêu dùng để cải tiến chất lượng, kiểu dáng sản phẩm nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng. "Công ty vừa đưa ra thị trường 13 sản phẩm mới được chia thành 4 nhóm với nhiều kích cỡ đóng gói, nhắm đến các đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau. Bên cạnh đó, Vissan đang nâng cấp thiết kế bao bì các sản phẩm chế biến cho một số ngành hàng, đến nay đã hoàn thành và đưa ra thị trường các sản phẩm đồ hộp và xúc xích tiệt trùng với bao bì mới" - ông An cho biết.
Công nghệ làm thay đổi trải nghiệm ẩm thực
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, công nghệ đang làm thay đổi trải nghiệm ẩm thực của người tiêu dùng. Giới trẻ thông qua mạng xã hội nhanh chóng cập nhật các xu hướng ẩm thực mới và đặt hàng thông qua các ứng dụng cho phép tìm kiếm địa điểm ăn uống khiến thị trường ẩm thực trở nên sôi động hơn.
Một nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhà sản xuất. Có 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ; 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng…