Tìm thêm nguồn cung thực phẩm an toàn

Thứ ba, 18 Tháng 12 2018 10:05 (GMT+7)
Các sở, ngành TP HCM phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, phân phối tìm thêm nguồn thực phẩm sạch phục vụ người dân

TP HCM với quy mô khoảng 13 triệu dân, nhu cầu thực phẩm mỗi ngày rất lớn nhưng chỉ tự cung cấp được 20%-30% tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ hằng ngày, số còn lại phụ thuộc vào nguồn hàng từ các tỉnh và nhập khẩu.

Đừng tiện đâu mua đó

Để kiểm soát thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn, TP HCM đã chủ động xây dựng đề án thí điểm quản lý theo "Chuỗi thực phẩm an toàn", bảo đảm sản phẩm thực phẩm đang lưu thông trên thị trường được quản lý chặt chẽ về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc. Tính đến tháng 9-2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM đã thẩm định và cấp 229 giấy chứng nhận cho 128 trang trại cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng thực phẩm bảo đảm quy định an toàn lên tới gần 110.000 tấn mỗi năm.

Tìm thêm nguồn cung thực phẩm an toàn - Ảnh 1.

Người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi để bảo đảm an toàn

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo "Từ ăn sạch tới sống xanh" do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM phối hợp với hệ thống siêu thị VinMart & Vinmart+ tổ chức cuối tuần qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết vấn đề an toàn thực phẩm đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý lẫn người tiêu dùng, nhất là làm sao mang bữa ăn an toàn đến cho người dân. Ngoài việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, cần tìm thêm nguồn cung an toàn, nâng dần chất lượng thực phẩm nông sản.

Bà Phong Lan chỉ ra rằng các bà nội trợ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lựa chọn thực phẩm chất lượng, an toàn cho gia đình. "Tôi không nói thực phẩm ở chợ truyền thống là không an toàn nhưng mua ở siêu thị bảo đảm an toàn hơn. Nếu bà nội trợ đã quen đi chợ truyền thống, biết nguồn gốc thực phẩm an toàn rồi thì tôi khuyến khích tiếp tục mua. Chúng tôi mong muốn phụ nữ ủng hộ thực phẩm sạch bằng hành động thực tế, đừng hô hào chúng tôi cần thực phẩm sạch… nhưng vẫn mua thực phẩm trôi nổi vì thích giá rẻ".

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, khuyến khích người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để bảo đảm nguồn gốc sản phẩm. Nếu mua hàng ở chợ thì nên đến các quầy sạp bên trong lòng chợ thay vì tiện đâu mua đó ở chợ cóc, chợ tạm.

Tăng kiểm soát chất lượng

Theo ông Phan Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng - Sở Y tế TP HCM, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ chủ động đầu tư, sở hữu công cụ kiểm soát chất lượng thực phẩm là giải pháp thiết thực trong việc mang đến thực phẩm sạch và dinh dưỡng cho người tiêu dùng. Đặc biệt, những DN bán lẻ đầu tư bài bản hệ thống nhà máy sản xuất, phát triển các dòng thực phẩm sạch tiện lợi, đáp ứng nhu cầu người dân thành thị cần được quảng bá và tạo điều kiện lan tỏa rộng rãi. Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup thông qua việc đầu tư hệ thống nông trường công nghệ cao đã cung cấp cho thị trường nhiều chủng loại rau củ quả đạt chuẩn GlobalGAP.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Tổng giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng Vinmart+, cho biết Vingroup đang sở hữu 16 trang trại VinEco tại một số tỉnh, thành với diện tích hơn 3.000 ha và liên kết với các hộ nông dân để chuyển giao công nghệ. Hiện mỗi tháng, VinEco cung cấp độc quyền khoảng 3.000 tấn rau củ, trái cây cho hệ thống Vinmart, Vinmart+. Trong tháng này, dòng sản phẩm thức ăn nhanh Vinmart Food (gồm các loại trái cây sấy…) sẽ ra thị trường. "Tất cả nhãn hàng riêng chúng tôi trực tiếp sản xuất đều có chất lượng bảo đảm, thân thiện với môi trường và phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng" - đại diện Vinmart nói thêm.

Một nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam khác là Saigon Co.op cũng đã chi tiền tỉ xây dựng, phát triển các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Không chỉ hợp tác ứng vốn cho các HTX sản xuất nông sản an toàn theo chuẩn VietGAP, Saigon Co.op còn đầu tư vào trang trại hữu cơ quy mô hơn 300 ha của Công ty Viễn Phú ở Cà Mau, xây dựng dòng hàng nhãn riêng Co.op Organic với các nhóm sản phẩm chính: gạo, rau củ, thủy sản, trái cây…

Các nhà bán lẻ ngoại như Lotte, Big C, Aeon, MM Mega Market…, thông qua các mối liên kết với nhà cung cấp và hệ thống kiểm soát chặt chẽ cũng đã chọn lọc, cung ứng sản phẩm "sạch" cho người dân TP. 

Doanh nghiệp bán lẻ là "màng lọc"

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết các DN bán lẻ hiện đại đang được TP HCM giao nhiệm vụ dẫn dắt thị trường trong việc lựa chọn sản phẩm chất lượng, an toàn. Kênh bán lẻ hiện đại đang đóng vai trò "màng lọc" kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi bán ra thị trường. DN bán lẻ đặt ra các phương thức, quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, các DN này thúc đẩy quy trình thẩm định năng lực nhà cung cấp, trưng bày và bảo quản hàng hóa, truyền thông đại chúng về sản phẩm chất lượng, xúc tiến bán hàng đặc sản địa phương...

Nguồn: Phương An- (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm