Nhiều kiến nghị hỗ trợ xuất khẩu gạo

Thứ tư, 27 Tháng 2 2019 10:24 (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ về hạn mức và lãi vay, các bộ - ngành liên quan mở rộng những thị trường tiềm năng

Để cùng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất lúa gạo, ngày 25-2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã đến khảo sát tại một số nhà máy, vùng sản xuất lúa gạo của 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp.

Giúp doanh nghiệp khi khó khăn

Trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo tỉnh. Đồng thời, gợi ý mở rộng thêm diện tích liên kết để phát triển.

Ông Nguyễn Thành Mười, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Tân Đồng Tiến (chuyên ngành lúa gạo), kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ nâng hạn mức cho vay vốn đối với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm của nông dân, cụ thể là DN chuyên xuất khẩu. Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ mạnh như Philippines, Malaysia, Indonesia, châu Phi. DN xuất khẩu cần được áp dụng lãi suất ưu đãi.

Nhiều kiến nghị hỗ trợ xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đến thăm Công ty CP Tân Đồng Tiến Ảnh: HOÀNG MINH

Ông Mười cho biết năm 2018, công ty ông xuất khẩu 150.000 tấn, giá bình quân 500 USD/tấn, đạt kim ngạch 75 triệu USD. Theo đề án liên kết và tiêu thụ lúa, gạo của nông dân giai đoạn 2015-2020 của tỉnh Long An, công ty đang liên kết cùng nông dân với khoảng 3.000 ha tập trung vào mặt hàng gạo nếp, gạo thơm chất lượng cao.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán về thuế xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, có giải pháp cụ thể hỗ trợ lãi suất cho các DN thu mua tạm trữ lúa, xem xét không tăng lãi suất vay khi DN gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ghi nhận những đề nghị này và cho biết trong tháng 3-2019, một số bộ sẽ phối hợp xúc tiến thương mại tại nhiều nước, trong đó tập trung ở Philippines, Malaysia. "Công ty CP Tân Đồng Tiến liên kết với nhà nông, đây là vấn đề cần chú trọng phát huy, vì vậy tới đây công ty nên mở rộng thêm diện tích liên kết" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo UBND tỉnh Long An, vụ đông xuân 2018-2019, dự kiến tỉnh đạt sản lượng 1,42 triệu tấn lúa, đang thu hoạch rộ đến cuối tháng 3-2019. Toàn tỉnh có 16 DN ký kết hợp đồng liên kết, xây dựng cánh đồng lớn với 2.952 hộ trên diện tích hơn 9.229 ha.

Tuy vậy, tình hình tiêu thụ lúa đông xuân đang gặp khó khăn. Trong bao tiêu, một số DN không mua hết sản lượng theo hợp đồng. Hiện giá lúa đang xuống thấp, việc tiêu thụ lúa gạo của nhà nông gặp khó khăn.

Mở rộng thêm thị trường

Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) tại ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, lãnh đạo Vinafood 1 trình bày tình hình kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019. Theo đó, năm nay, Vinafood 1 dự kiến thu mua 1,6 triệu tấn lương thực các loại, trong đó 1,36 triệu tấn lúa gạo; 80% lượng lúa gạo tiếp tục được thu mua tại các tỉnh ĐBSCL.

Đến thời điểm này, Vinafood 1 đã chỉ đạo 12 đơn vị thành viên và các chi nhánh trực thuộc thu xếp tài chính, bố trí lực lượng tập trung thu mua lúa gạo tại các nhà máy khu vực ĐBSCL. Theo đó, tổng sản lượng gạo theo kế hoạch thu mua của Vinafood 1 trong quý I/2019 là 375.000 tấn, trong đó 350.000 tấn gạo và 25.000 tấn lúa. Các nhà máy đang thu mua hết công suất, đến ngày 25-2 đã thu mua 178.000 tấn gạo.

Như vậy, từ nay đến hết tháng 3-2019, Vinafood 1 sẽ thu mua thêm khoảng 172.000 tấn gạo và 25.000 tấn lúa. Tại tỉnh Đồng Tháp, đơn vị này sẽ thu mua 130.000 tấn. Việc thu mua vừa phục vụ các hợp đồng xuất khẩu giao hàng ngay vừa tạm trữ để thực hiện nhiệm vụ kích cầu và tiêu thụ lúa, gạo cho bà con nông dân.

Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Vinafood 1, nhìn nhận nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự quan tâm sâu sát của các bộ, ngành, địa phương, hiện giá lúa gạo trên thị trường ĐBSCL đã tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa tươi tại ruộng lên 4.500 đồng/kg, gạo nguyên liệu giống IR50404 ở mức 6.450 - 6.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với 2 tuần trước.

"Thị trường lúa gạo trong 6 tháng cuối năm rất triển vọng. Vì vậy, để giải quyết tốt bài toán thị trường, đề nghị lãnh đạo bộ, ngành trung ương chỉ đạo các ngân hàng thực hiện tốt vay trò cho vay vốn để DN thu mua cho nông dân..." - ông Quế kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định vụ lúa đông xuân 2018-2019, ĐBSCL có khoảng 1,6 triệu ha lúa, các trà lúa đang trong giai đoạn tập trung thu hoạch. Nhìn chung năng suất năm nay ổn định với tổng sản lượng ước đạt khoảng 11 triệu tấn.

Lý giải về nguyên nhân giá lúa giảm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Các hợp đồng ký kết chưa được nhiều cộng với một số DN chưa đẩy mạnh thu mua nên có lúc giá lúa xuống thấp, chẳng hạn như lúa IR 50404 có lúc chỉ còn 4.200-4.400 đồng/kg. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương nên giá lúa này tăng lên 4.500-4.600 đồng/kg".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận xét: "Thời gian qua, Vinafood 1 đã có bước phát triển vượt bậc, điều này có thể đánh giá qua những đơn hàng ký kết trong nước và xuất khẩu. Đây được xem là đơn vị hàng đầu về lĩnh vực thu mua, chế biến và xuất khẩu lúa gạo, góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp của cả nước. Trong những tháng tiếp theo, đơn vị nên phát huy những kết quả đạt được và cố gắng đẩy mạnh thu mua lúa gạo đạt mức nửa triệu tấn cho nông dân".

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intemex (ấp An Ninh, xã Định An, huyện Lấp Vò), công ty vừa mới ký kết xuất khẩu 100.000 tấn gạo với thị trường chính là châu Phi, dự kiến đến hết quý I xuất khẩu được 90.000 tấn. Mục tiêu của công ty trong năm nay là thu mua từ 300.000-400.000 tấn lúa.

"Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương nên hỗ trợ các đơn vị trong việc vay vốn thu mua lúa gạo. Đồng thời, tạo liên kết để phát triển mạnh ngành hàng lúa gạo" - ông Nam đề xuất.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá cao sự cố gắng của công ty trong lợi thế chế biến nông sản. Trong bước phát triển tiếp theo, bộ trưởng yêu cầu đơn vị tập trung thu mua lúa gạo để hoàn thiện các đơn hàng cũ và ký kết thêm đơn hàng mới. Phải cùng các thành viên trong hiệp hội lương thực liên kết lại để cùng phát triển mạnh những lợi thế sẵn có; trong đó, công ty phải chủ động tốt nguồn nguyên liệu. Ngoài ra, đơn vị phải nghiên cứu sâu các thị trường tiềm năng như: châu Phi, Philippines, Malaysia... để có bước tiếp cận tốt. 

Nguồn: Duy Thanh - Hoàng Minh - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm