Thịt lạnh chưa “nóng”
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhập khẩu trên 28.400 tấn phụ phẩm ăn được sau giết mổ (như tim, móng giò, tai, mũi, lưỡi...), tăng gấp đôi so cùng kỳ. Theo nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), so với số thịt heo hơi trong nước cung ứng ở mức 2 triệu tấn, lượng nhập khẩu trên chưa thể tác động lên thị trường trong nước. Ông Bạch Đức Lữu phân tích thêm, đến khi nào nhập thịt heo từng mảnh (nửa con) mới là dấu hiệu của việc thiếu hụt thịt heo trong nước.
Mua thịt heo tại chợ Bến Thành. Ảnh: CAO THĂNG
Trong số thịt heo nhập khẩu về Việt Nam có nhiều loại khác nhau. Những sản phẩm như thịt vụn, chân giò, xương ống thì giá rẻ, chỉ khoảng 1 USD/kg (chưa thuế), chiếm tỷ lệ thấp; loại cao cấp nhập khẩu như thịt heo phi lê Pháp có giá đến 460.000 đồng/kg; còn nhiều loại sản phẩm khác không có sự chênh lệch lớn về giá so với thịt heo trong nước. Thịt nhập về Việt Nam phần lớn là thịt vụn để chế biến, cũng như các phụ phẩm khác, còn thịt heo xẻ đông lạnh không đáng kể. Chi tiết này cho thấy nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu chủ yếu được cung cấp cho các bếp ăn, nhà hàng, riêng thịt vụn để chế biến như làm xúc xích... Do tâm lý tiêu dùng người Việt vẫn còn chuộng “thịt nóng” (vừa giết mổ và tiêu thụ ngay trong ngày) nên thịt nhập đông lạnh vẫn chưa được ưa chuộng và chiếm tỷ lệ ít tại các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống.
Các chuyên gia chăn nuôi cho biết, khi chưa có bệnh dịch tả heo châu Phi, giá thành nuôi heo trong nước trên 30.000 đồng/kg, gần ngang với mặt bằng chung của thế giới. Nếu cộng với chi phí giết mổ, cấp đông, rồi vận chuyển... đến Việt Nam, thịt đông lạnh nhập khẩu khó có thể cạnh tranh với giá bán thịt heo trong nước.
Vì vậy, những công ty và trang trại lớn về chăn nuôi heo nhận định, hiện nay với giá xuất chuồng dù đã nhích lên gần chạm ngưỡng 50.000 đồng/kg ở các tỉnh phía Bắc và trên dưới 40.000 đồng/kg ở phía Nam, thịt heo nhập khẩu vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, khi thói quen tiêu dùng của người Việt dù có thay đổi chút ít, vẫn chuộng “thịt nóng” thay vì thịt đông lạnh. Ngay cả một số công ty trong nước như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cũng mới thăm dò để đưa ra thị trường loại “thịt mát”, được giết mổ và đưa vào kho mát bảo quản vài ngày cho hết máu, xét về an toàn vệ sinh thực phẩm, đây mới là loại thịt đảm bảo hơn so với thịt nóng.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, về lâu dài cần tăng cường kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu; xây dựng những hàng rào kỹ thuật, hạn chế một số sản phẩm thịt cận hạn sử dụng, chất lượng kém. Nếu để loại thực phẩm này tràn về, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người chăn nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.
Nhập từ Mỹ tăng 334%
TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết lượng thịt heo và phụ phẩm nhập khẩu từ nhiều nước tăng mạnh, ngoài lý do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi, còn có yếu tố khác, đó là ngày càng xuất hiện nhiều công ty nước ngoài chào hàng thịt nhập khẩu vào Việt Nam. Liên đoàn xuất khẩu thịt của Mỹ chuyển hướng xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Philippines, Australia, Dominica, Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng thịt heo Mỹ xuất khẩu đến thị trường những nước trên trong năm qua tăng 24% về lượng, khoảng 530.000 tấn (tính từ tháng 4-2018); trong đó, xuất khẩu thịt heo Mỹ vào Việt Nam tăng mạnh hơn cả, tăng 334% về khối lượng, đạt mức hơn 16.500 tấn trong thời gian trên.
Các dự báo cũng cho thấy, quý 4-2019, tổng đàn heo trên thế giới sẽ sụt giảm do bệnh dịch. Vừa qua, Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên Hiệp quốc công bố, tổng đàn heo của Trung Quốc giảm khoảng 50% (ước tính 200 triệu con). Hiện giá heo hơi Trung Quốc đã ở mức 76.000 đồng/kg, thậm chí có địa phương từ 80.000 đồng/kg trở lên. Đây là lý do mà thời gian qua, giá heo hơi ở các tỉnh phía Bắc tăng khá nhanh sau thời gian trầm lắng, hiện ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg do được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Giá heo hơi các tỉnh phía Nam cũng tăng theo, ở ngưỡng trên dưới 40.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, sau thời gian dài bệnh dịch hoành hành, lượng heo bị tiêu hủy vì dịch khá cao, khoảng 4 triệu con, nên nguồn cung trong nước suy giảm và khả năng tái đàn của các trang trại bị hạn chế vì dịch bệnh xuất hiện lập lại. Trong khi đó, một công ty nghiên cứu thị trường dự báo, cuối năm 2019 và dịp tết 2020 có thể thiếu 0,5 triệu tấn thịt heo, khoảng 20% nhu cầu. Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt heo sẽ tăng cao. Trong đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc cũng tăng mạnh. Những tín hiệu này cho thấy, dù giá thịt heo trong nước có chựng lại những ngày qua, nhưng khả năng tăng giá từ đây đến cuối năm là chắc chắn, do thiếu hụt nguồn cung.