Sáng 17-10, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị "Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững" trước thực trạng dịch bệnh tả heo châu Phi đã cướp đi 16% đàn heo, giá cả leo thang từng ngày vì nguồn thịt heo khan hiếm.
Bộ NN-PTNT mong muốn chăn nuôi sinh học để có thịt sạch vào cuối năm
Theo thống kê mới nhất, đến nay đã có 5,5 con heo bị chết vì dịch bệnh tả heo châu Phi. Suốt 9 tháng qua, chăn nuôi khó khăn vì lo ngại dịch đe dọa.
Báo cáo của 56 tỉnh, thành phố gần đây cho thấy, tổng đàn heo chỉ còn hơn 22 triệu con, giảm 16% so với thời điểm tháng 10 năm ngoái. Nếu tính thêm 7 tỉnh chưa báo cáo, cả nước vẫn còn khoảng 25 triệu con heo, đủ cung ứng cho thị trường thực phẩm. Thế nhưng thực tế, giá thịt heo ngoài chợ đang tăng.
Theo Bộ NN-PTNT, điều đáng mừng là trong 22-25 triệu con heo, hiện vẫn còn khoảng 2,9 triệu con heo nái, đủ để tái đàn.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các chủ trại, người chăn nuôi và doanh nghiệp nên tái đàn bằng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học mới vững bền, tránh được dịch bệnh.
Không chỉ cần đủ thực phẩm mà phải có thực phẩm sạch cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, quý 4 hàng năm và quý 1 của năm sau bao giờ cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm cao nhất. Xác định nguồn cung thiếu hụt do tác động của dịch tả heo nên Bộ NN-PTNT đã có chủ trương tăng đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ. Đến nay, đàn gia cầm cả nước tăng trưởng 12%, đại gia súc ăn cỏ tăng 4,2%; thủy sản tăng cả về khai thác và nuôi trồng với sản lượng 8 triệu tấn.
Với cơ cấu 3 loại thực phẩm này không chỉ bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt do bệnh dịch tả heo mà còn phục vụ xuất khẩu.
Về tái đàn chăn nuôi sau dịch bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, giải pháp là tập trung tăng đàn ở những vùng chăn nuôi lớn đảm bảo an toàn sinh học, với những hộ quy mô nhỏ và vừa phải đảm bảo được những yếu tố về an toàn sinh học.
Song hành các nhóm giải pháp tổng thể về thủy sản, gia cầm, đại gia súc để cung ứng thực phẩm, quan trọng nhất là giữ bình ổn được giá cả, không để xáo trộn, không để ảnh hưởng đến chỉ số giá cả vào cuối năm.