Philippines và Bờ Biển Ngà là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam

Thứ sáu, 22 Tháng 11 2019 11:01 (GMT+7)
Thay thế vị trí đầu bảng trước đây là Trung Quốc, Philippines và Bờ Biển Ngà hiện là 2 thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam.
 
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm 2019 tăng 4,9% về lượng so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,51 triệu tấn, nhưng kim ngạch lại giảm 8,8%, đạt 2,41 tỷ USD và giá xuất khẩu cũng giảm 13,1%, đạt trung bình 437,9 USD/tấn.

 

philippines va bo bien nga la thi truong lon nhat cua gao viet nam
Xuất khẩu gạo đạt 5,51 triệu tấn sau 10 tháng

 

Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam với 1,94 triệu tấn, tương đương 800,25 triệu USD, giá 411,8 USD/tấn, tăng mạnh 182,3% về lượng, 156% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với cùng kỳ năm 2018.
Bờ biển Ngà đứng thứ 2 thị trường, với 517.197 tấn, tương đương 223,05 triệu USD, giá trung bình 431,3 USD/tấn, tăng trưởng 144,1% về lượng và tăng 83% về kim ngạch, nhưng giảm mạnh 25% về giá.
 
Gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm rất mạnh cả về lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 65,4%, 66,7% và 3,6% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 427.546 tấn, tương đương 212,02 triệu USD, giá 495,9 USD/tấn, chiếm 7,8% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước và chiếm 8,8% trong tổng kim ngạch.
 
Năm nay, lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao và họ liên tục xả kho. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo. Trung Quốc cấp hạn ngạch cho các thị trường khác như: Myanmar, Campuchia… nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc càng gặp nhiều khó khăn.
 
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã tổ chức mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam nhằm kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo. Các doanh nghiệp Trung Quốc được thăm quan thực địa tại các địa phương có sản lượng gạo hàng hóa lớn và tập trung nhiều doanh nghiệp xuất khẩu để có thể thấy được những tiến bộ về chất lượng gạo Việt Nam, tiềm năng trong sản xuất cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Qua đó, giúp doanh nghiệp Trung Quốc có những đánh giá thực tế về hoạt động sản xuất, chế biến gạo và thương hiệu gạo Việt Nam.
 
Ngoài ra, đa dạng thị trường xuất khẩu cho hạt gạo, đặc biệt tập trung vào các thị trường đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
 
Đặc biệt, mới đây, thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh gạo ngon nhất thế giới và được rất nhiều khách hàng tìm mua. Đầu tư cho các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị và thương hiệu là giải pháp quan trọng giúp hạt gạo Việt Nam định vị tốt hơn trên thị trường, tránh tình trạng khó khăn như hiện nay
Theo link (congthuong.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm