Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại một chợ ở TPHCM. Ảnh: ĐỨC THIỆN
Ngày 30-12, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) giữa TPHCM và các tỉnh, thành Tây Nam bộ năm 2019.
Đánh giá công tác BOTT, các địa phương khẳng định việc phối hợp thực hiện chương trình BOTT đạt hiệu quả, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Riêng mặt hàng thịt heo giá cả tăng liên tục do nguồn cung khan hiếm nên vấn đề nóng bỏng đặt ra là làm thế nào để các tỉnh, thành phối hợp điều phối, ổn định cung - cầu và giá cả vì nếu thiếu cục bộ sẽ gây xáo trộn thị trường tết.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, giá thịt heo tăng cao trong thời gian qua ngoài những nguyên nhân như nguồn cung giảm, thói quen tiêu dùng và nhu cầu sử dụng thịt heo dịp cuối năm tăng, tình trạng thương lái gom heo Việt Nam xuất lậu qua Trung Quốc thì không loại trừ trường hợp tăng giá do một số nơi có lượng hàng lớn và quyết định giá, làm ảnh hưởng chung về mặt bằng giá heo hơi trong toàn khu vực.
Một trong những DN có tác động nhiều nhất đến giá bán heo hơi, theo ông Nguyễn Minh Toại, đó chính là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (CP Việt Nam).
“Hiện CP Việt Nam đang bán giá heo hơi cao hơn thị trường, điều này góp phần làm cho thị trường bất ổn. Chúng tôi đã báo cáo tình hình về Bộ Công thương. Các bộ ngành đã nắm tình hình và vận động CP Việt Nam phối hợp cùng chính quyền thực hiện BOTT. Mặt khác, Cần Thơ cũng đề xuất các bộ, ngành cho phép các DN tăng cường nhập khẩu thịt heo để bù vào nguồn cung bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, nếu giá heo trong nước tiếp tục đứng ở mức cao, nguồn thịt nhập khẩu về nhiều sẽ gây áp lực lên ngành chăn nuôi trong nước. Đây là vấn đề cần cân nhắc, nếu CP Việt Nam hợp tác thì việc ổn định nguồn cung và giá bán mặt hàng thịt heo sẽ thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Minh Toại nói.
Ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, có cùng quan điểm, theo quy luật cung cầu, cung thiếu thì giá cả sẽ tăng là điều tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay có một số DN có khả năng sản xuất, cung ứng lớn sản lượng thịt heo, dẫn đến chi phối giá cả thị trường trong thời gian tới là vấn đề đáng quan ngại trong công tác BOTT.
Chủ trương nhập khẩu thịt heo, cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch thông tin đơn vị nào nhập khẩu, nhập khẩu sản lượng bao nhiêu và phân phối ở đâu… để việc điều phối, bình ổn mặt hàng này ở các địa phương được hiệu quả hơn. Đồng thời, việc nhập khẩu mặt hàng thịt heo phải có kế hoạch và chiến lược phân phối, tiêu thụ giữa những địa phương trên cơ sở dự báo cung cầu.
Tại TPHCM, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP, cho hay, hơn 10 ngày qua, giá heo hơi không còn tình trạng tăng liên tục nhưng đang đứng ở mức rất cao khoảng 83.000 đồng/kg. Tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 20%, trong đó kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh khoảng 30% nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống.
Về tình hình nhập khẩu heo đông lạnh, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho hay, lũy kế từ đầu năm 2019 đến ngày 10-12-2019, lượng thịt nhập qua cửa khẩu TPHCM gần 14.000 tấn, tăng hơn 117% so cùng kỳ 2018, trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước: Brazil, Ba Lan, Canada, Hoa Kỳ, Đức, Australia, Đan Mạch...
Lượng thịt nhập khẩu tăng chủ yếu do giá thịt heo nhập khẩu chỉ tương đương khoảng 70% giá heo trong nước (sau khi cộng thuế và chi phí liên quan). Riêng các DN BOTT cũng dự trữ và nhập khẩu lượng hàng khá lớn như Vissan có kế hoạch dự trữ tới 4.000 tấn, San Hà đang nhập khẩu 1.000 tấn… Hiện San Hà đã bán thịt heo đông lạnh ra thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận. Vissan và Saigon Co.op cũng đang bàn phương án đưa thịt heo đông lạnh vào hệ thống siêu thị Co.opmart để bán.
Ngoài ra, TP đã làm việc với các DN cung ứng thịt và trứng gia cầm, thủy hải sản để tăng nguồn cung hàng bình ổn từ 15%-40% tùy theo nhóm ngành hàng nhằm tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Để ổn định về nguồn cung và giá cả dịp mua sắm cao điểm tết sắp tới, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, TPHCM và các tỉnh, thành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, điều phối hàng hóa phù hợp. Mỗi địa phương cần tính đến sức mua của thị trường và khả năng tự cung, tự cấp đối với mặt hàng thịt heo, trong trường hợp cần tăng cường lượng thịt heo đông lạnh cũng nên báo sớm để TPHCM có phương án điều phối kịp thời.
“Vừa rồi, tôi mới tham gia cuộc họp của Tổ điều hành thị trường trong nước, các bộ, ngành cũng đã có nhiều phương án để ứng phó với mặt hàng thịt heo. Cuộc họp cũng thống nhất, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ các nhóm hàng thực phẩm tươi sống để thay thế và bù vào nguồn cung thiếu hụt từ thịt heo. Lượng thịt heo đông lạnh nhập khẩu cũng đã nằm trong kho của nhiều DN.
Nhưng để ổn định và giá cả mặt hàng thịt heo từ nay đến cao điểm Tết Canh Tý thì bản thân người tiêu dùng sẽ quyết định tới 90%. Nếu người dân có phương án sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt heo, đồng thời chuyển đổi thói quen tiêu dùng từ thịt heo nóng sang heo đông lạnh, chắc chắn mặt hàng thịt heo sẽ không còn tăng nóng và chúng ta không quá lo ngại về nguồn cung. Hơn lúc nào, người tiêu dùng nói chung và các bà nội trợ nói riêng hãy chia sẻ để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Nguyễn Huỳnh Trang chia sẻ.
THÚY HẢI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)