Bộ Công thương cho biết, trong dịp cậnTết Nguyên đán Canh Tý, sức mua trên thị trườngđược nhậnđịnhtăng khá, dự kiến tăng khoảng 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15 - 20% so với các tháng thông thường trong năm.
Do đó, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Trong đó, Bộ Công thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, triển khai chương trình bình ổn thị trường, nhất là chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Đến nay, đã có 57/63 tỉnh, thành phố đã có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, trong đó có 28 địa phương có kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.
Được biết, các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu...
Đáng chú ý năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ tết. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ tết và chiếm chủ yếu trong danh mục hàng bình ổn thị trường.
Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Công thương đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối quy mô lớn, kết nối và đưa ra các giải pháp cần thực hiện nhằm bình ổn thị trường mặt hàng này dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và ký cam kết sẽ giảm giá bán lợn thịt ra thị trường.
Theo chỉ đạo và cam kết với Bộ Công thương, hệ thống siêu thị Big C và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn với giá vốn (không lợi nhuận) từ ngày 28/12/2019 đến hết Tết Nguyên đán; hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp tết với lượng tăng 30 - 40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngànhtạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để bù đắp nguồn cung thiếu hụt cho thị trường trong nước (trước mắt tập trung nhập khẩu 100 nghìn tấn trong quý I/2020). Từ ngày 28/12/2019 đến nay, giá thịt lợn ngoài thị trường đã bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại và tùy địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo sở công thương theo dõi sát giá cả, biến động cung cầu, tập trung nguồn lực nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung và giữ giá mặt hàng thịt lợn ổn định dịp trước trong và sau tết.
Như vậy có thể thấy,nguồn cung hàng hóa đã và đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo cùng với kế hoạch triển khai nhiều chương trình phục vụ tết, các chương trình xúc tiến thương mại dịp cuối năm của các doanh nghiệp, hàng hóa phục vụ tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam.