Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho trái cây Việt Nam

Thứ sáu, 31 Tháng 1 2020 13:34 (GMT+7)
Hiện nay, nhiều loại trái cây của nước ta chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có thương hiệu, nhãn hiệu. Do vậy, người tiêu dùng còn gặp khó trong việc nhận biết và tìm mua các sản phẩm trái cây Việt Nam đảm bảo chất lượng và xuất xứ. Đây là điều mà các cơ quan chức năng cần quan tâm để khắc phục nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất cây ăn trái bền vững.
Trái cây được thu mua, phân loại tại một vựa trái cây ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
 
►Muốn biết rõ xuất xứ hàng hóa
 
Bà Phạm Huệ Hân ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: "Có nhiều loại trái cây đặc sản ăn rất ngon: vú sữa, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng cơm vàng hạt lép, nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh... Tuy nhiên, người tiêu dùng khó tìm mua được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và có xuất xứ rõ ràng. Tại các siêu thị, trái cây có ghi  khá rõ tên hàng hóa và xuất xứ Việt Nam hay tên quốc gia nhập khẩu, chứ tại nhiều chợ và điểm kinh doanh, trái cây chủ yếu bán dạng đổ xá...".
 
Theo chị Nguyễn Ngọc Huyền ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, gia đình chị  ưu tiên tiêu dùng các loại trái cây Việt Nam vì tươi ngon và giá cũng rẻ hơn so với nhiều loại trái cây nhập khẩu. Song, để mua được các sản phẩm đảm bảo xuất xứ và chất lượng, thường phải đến các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn hoặc những người bán quen biết, thậm chí phải tìm đến nhà vườn. Do nhiều loại trái cây bán trên thị trường không có bao bì, nhãn hiệu nên người mua không biết xuất xứ, chất lượng ra sao...
 
Lo ngại của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở. Bởi hiện thông tin về nhiều sản phẩm trái cây bán trên thị trường người tiêu dùng biết được chủ yếu qua lời giới thiệu của người bán hàng. Muốn truy về nguồn gốc hàng hóa thì nhiều lúc người bán chưa có các câu trả lời thuyết phục, bởi họ cũng thường lấy hàng từ các mối lái trung gian bán lại kiếm lời, chứ không mua trực tiếp từ người sản xuất. Đáng chú ý, có tình trạng người bán cố tình mập mờ về xuất xứ giữa các loại trái cây giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc với trái cây của Việt Nam để dễ bán hàng. Đã có trường hợp người tiêu dùng lầm tưởng trái cây giá rẻ có xuất xứ nước ngoài là trái cây Việt Nam mà chọn mua.
 
►Cần hỗ trợ cho nông dân
 
Nông dân trồng cây ăn trái  tại TP Cần Thơ đã tham gia sản xuất trái cây đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt: VietGAP, Global GAP... và đã được cấp mã số vùng trồng (mã code) để có thể truy xuất nguồn gốc xuất  xứ, đặc biệt hữu ích đối với hàng xuất khẩu. Bước đầu, nông dân tại nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã và vùng trồng cây ăn trái tập trung cũng đã xây dựng và đăng ký được các nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trái cây. Cụ thể, nông dân trồng cây ăn trái ở Cần Thơ đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho dâu hạ châu Nhơn Ái, huyện Phong Điền; sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền; nhãn Ido Thới An, quận Ô Môn; cam xoàn Thới An, quận Ô Môn; vú sữa Thới An Đông, quận Bình Thủy; xoài Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ...
 
Tuy nhiên, do năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế đa phần nông dân chưa thể làm được các bao bì, logo nhãn hiệu phục vụ đóng gói khi bán ra thị trường. Đây là thiệt thòi lớn cho cả người sản xuất và tiêu dùng bởi nó làm hạn chế việc quảng bá các sản phẩm trái cây chất lượng và an toàn. Tới đây, ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân trong vấn đề đóng bao bì và logo nhãn hiệu lên sản phẩm nhằm phát huy các thương hiệu sản phẩm đã được đăng ký.
 
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A, ở huyện Phong Điền, cho biết: Nhiều HTX trồng cây ăn trái hiện chưa có điều kiện xuất khẩu hàng trực tiếp hay tăng cường bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng trong nước, đồng thời còn hạn chế về nguồn vốn và các điều kiện máy móc phục vụ sản xuất nên chưa thể đóng gói sản phẩm, cũng như làm các logo nhãn hiệu dán lên sản phẩm.
 
Thời gian qua, có nhiều loại trái cây được trồng ở nước ta, nhưng người bán gọi bằng những cái tên nghe có vẻ như là hàng của nước ngoài như: xoài Úc, nhãn Thái, mít Thái... Một trong những nguyên nhân chính dẫn thực trạng trên do các giống cây này có xuất xứ từ nước ngoài được đem về Việt Nam trồng nhưng chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và tên gọi mang đặc trưng riêng để phân biệt với trái cây cùng loại nhập khẩu.
 
 
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, các sản phẩm của ta mang tên nước ngoài rất nhiều, ví dụ: xoài Đài Loan, xoài Thái Lan...  vậy thì khi đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sẽ khó và cũng ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của sản phẩm về lâu dài, nhất là khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Ngành chuyên môn cần nguyên cứu, có giải pháp cho vấn đề này.
 
Thời gian qua, Hội Nông dân TP Cần Thơ cũng đã tích cực phối hợp, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu cho trái cây và các loại nông sản nói chung. Song, các nguồn kinh phí hỗ trợ cho nông dân đăng ký thương hiệu sản phẩm còn hạn chế. Các bên liên quan cần ngồi lại bàn bạc, chọn sản phẩm cần tập trung ưu tiên hỗ trợ và có giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư và khuyến khích nông dân thực hiện.
 
Tính đến cuối năm 2019, TP Cần Thơ đã có 20.125ha vườn cây ăn trái, với sản lượng trái trong năm qua đạt 132.240 tấn. Năm 2020, dự kiến tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn thành phố được nâng lên hơn 20.240ha. Để thúc đẩy sản xuất cây ăn trái theo hướng bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đang tích cực hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm.
 
Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, Global GAP... vào sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh của mặt hàng trái cây. Tuyên truyền, vận động nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất các loại cây ăn trái theo hướng sản xuất tập trung, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của từng địa phương.
 
Đồng thời, quan tâm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc cây giống, đăng ký mẫu mã hàng hóa và chất lượng. Khuyến khích nhà vườn sử dụng giống mới, giống có chất lượng.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm