XK gạo tăng mạnh giúp người nông dân lãi lớn.
Nhu cầu lớn, xuất khẩu tăng
Nắm bắt cơ hội ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép XK gạo trở lại vào tháng 4-2020 với hạn ngạch 400 nghìn tấn, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã nhập kho 50 nghìn tấn lúa, chuẩn bị chế biến thành gạo để XK. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến XK hàng hóa của Việt Nam và việc Chính phủ cho phép XK gạo trở lại là tín hiệu tích cực để DN gạo Việt Nam tham gia XK, bù đắp phần nào mức suy giảm của kim ngạch XK hàng hóa cả nước nói chung. “Từ đầu năm đến nay, giá gạo XK đã tăng khoảng 20%. Sức mua tăng, thị trường thuận lợi đang có lợi cho cả DN và người nông dân”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.
Sau một thời gian tạm dừng, thông tin Thủ tướng Chính phủ cho phép XK gạo trở lại đang khiến nhiều DN gạo phấn khởi. Theo Tổng cục Hải quan, hiện các DN đã mở tờ khai XK đủ 400 nghìn tấn theo số lượng hạn ngạch được cấp phép trong tháng 4.
Những tháng đầu năm 2020, trong khi các mặt hàng nông sản khác như tiêu, điều, rau quả… đều bí đầu ra, hoặc XK rất chậm vì dịch bệnh và các chính sách phong tỏa biên giới của các nước ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19, gạo lại là một trong số ít mặt hàng có kim ngạch XK tăng cao so với cùng kỳ. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, kim ngạch XK gạo đã đạt 1,7 triệu tấn trong quý I-2020, tăng tới 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Công thương, kim ngạch XK quý đầu năm 2020 tương đương với khoảng 25 nghìn tấn/ngày. Mức tăng này cho thấy nhu cầu lương thực thực phẩm trên thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thực tế, đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo thời gian qua rất sôi động, giá gạo thế giới liên tục tăng dù hai quốc gia XK gạo lớn là Ấn Độ và Việt Nam được mùa.
Đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, hiện nhu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia… là rất lớn. Trong đó, Philippines năm nay cần thêm 300 nghìn tấn gạo và đã ký hợp đồng nhập khẩu 200 nghìn tấn gạo với DN Việt Nam. VFA cũng dự báo rằng giá lúa gạo sẽ tăng trở lại do tâm lý tích trữ lương thực trong dịch bệnh trên toàn cầu leo thang.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được mùa nên lượng gạo trong nước khá dồi dào. Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VFA nhấn mạnh, nhu cầu mặt hàng này trên thế giới hiện khá cao nên việc tiếp tục XK sẽ có lợi cho cả người nông dân lẫn DN. Hiện với mỗi ha lúa, người dân lãi khoảng 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với những vụ trước.
An ninh lương thực đặt lên hàng đầu
Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, dự báo nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Nếu tiếp tục giữ tốc độ XK bình quân 25 nghìn tấn/ngày thì XK gạo quý 2 có thể đạt tới hơn hai triệu tấn. Tổng cộng sáu tháng đầu năm (trước khi vụ Hè Thu thu hoạch rộ), có thể XK hơn 3,7 triệu tấn, con số này cao hơn con số có thể dành cho XK là ba triệu tấn.
XK là hoạt động quan trọng, song trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vấn đề an ninh lương thực quốc gia vẫn được đặt lên hàng đầu. Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, sản lượng ta đã thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long vụ vừa qua là khoảng chín triệu tấn thóc, tương đương hơn bốn triệu tấn gạo thì không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, mà còn phục vụ được cho xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đang có biến động khó lường, nhu cầu trên thị trường thế giới tăng rất mạnh đối với các nhu yếu phẩm, trong đó có gạo Việt Nam. “Ở trong nước, nếu như tình hình có gì đột biến, không loại trừ khả năng yếu tố tâm lý sẽ khiến hiện tượng tích trữ gạo xảy ra. Tức là trong điều kiện bình thường thì không thiếu, nhưng trong một số điều kiện đặc biệt, chúng ta có thể đứng trước rủi ro nếu XK gạo mạnh”, Thứ trưởng Khánh khẳng định.
Cũng theo tính toán của Bộ Công thương, nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5-2020 được bảo đảm như sau: cần khoảng 300 nghìn tấn để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Ngoài con số này, Bộ Công thương đề xuất giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và 5, nâng tổng số lượng gạo dự trữ cho hai tháng là 700 nghìn tấn. Như vậy, lượng gạo được phép XK trong tháng 4 và 5 là khoảng 800 nghìn tấn. Ngoài lượng gạo XK 400 nghìn tấn đã được cấp trong tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành XK gạo cho tháng 5.
Đồng tình với đề xuất XK của Bộ Công thương, nhiều DN XK gạo cũng mong muốn Bộ Công thương cần xây dựng kế hoạch XK lâu dài nhằm giúp DN căn cứ vào đó để xây dựng phương hướng phát triển trung và dài hạn, đàm phán với các đối tác truyền thống ký kết hợp đồng XK, tránh bị động. Việc song hành giữa đảm bảo an ninh lương thực và XK gạo sẽ vừa giúp đảm bảo nguồn gạo sử dụng trong nước, vừa giúp Nhà nước thu được một nguồn ngoại tệ nhất định nhằm tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
HÀ ANH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)