Tạo thuận lợi tốt nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo

Thứ ba, 05 Tháng 5 2020 07:15 (GMT+7)
Thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình xuất khẩu gạo của cả nước, trong đó, có doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bị ngưng trệ khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Chính phủ có những hỗ trợ DN trong việc xuất khẩu lúa gạo.
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gặp khó khăn
 
Số liệu tổng hợp từ DN kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho thấy, đến thời điểm công bố hết hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về công bố hạn ngạch xuất khẩu đối với mặt hàng gạo trong tháng 4/2020, các DN xuất khẩu gạo của Đồng Tháp chỉ đăng ký mở được tờ khai hải quan theo hợp đồng đã ký là 14.150 tấn. Theo đó, lượng gạo còn lại đã ký hợp đồng, giao trong tháng 4/2020 và chưa đăng ký mở được tờ khai hải quan là 24.657 tấn, trong đó có 12.701 tấn nằm tại cảng chưa mở được tờ khai hải quan.
 
Nhiều DN xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, nhiều đơn hàng từ phía đối tác ở nước ngoài đã ký kết để cung ứng gạo. Do đó, các DN đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng, bao bì, thuê tàu... để cung ứng đủ nhu cầu đơn vị đối tác. Song, khi Chính phủ có lệnh ngưng xuất khẩu thì DN điêu đứng. Hoàn cảnh chung của DN như “ngồi trên đống lửa” khi hàng ngàn tấn gạo bị kẹt ở cảng, dòng tiền bị đóng băng. Hơn thế, DN không còn nguồn kinh phí nên không thể mua lúa của nông dân đã đến kỳ thu hoạch...
 
Theo Sở Công thương Đồng Tháp, trước những khó khăn của DN, thời gian qua, ngành công thương và các đơn vị liên quan đã theo dõi sát tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của DN trên địa bàn tỉnh để có những đề xuất kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN ổn định và sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Đồng thời rà soát các cơ chế, chính sách, quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Trung ương ban hành chưa phù hợp với thực tiễn của địa phương để kiến nghị kịp thời tháo gỡ cho DN.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai và kiểm tra về tình hình thu mua lúa, gạo hàng hóa của DN đảm bảo đủ lượng dự trữ lưu thông bắt buộc (mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu 6 tháng trước đó) và thường xuyên duy trì lượng lúa, gạo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Tổ chức theo dõi sát diễn biến tình hình giá lúa, gạo nội địa và xuất khẩu để đề xuất triển khai các biện pháp bình ổn thị trường lúa gạo khi có yêu cầu...
 
Nhằm định hướng cho người sản xuất và DN xuất khẩu gạo, bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, ngành công thương và các đơn vị liên quan sẽ có phối hợp tham mưu tỉnh hỗ trợ DN tập trung một số giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác thông tin thị trường, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA (số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, rào cản... của từng thị trường). Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, ngoài việc củng cố thị trường truyền thống thì tập trung tìm kiếm khai thác thị trường tiềm năng để mang lại hiệu quả thiết thực cho DN...”.
 
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với một số Bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình vụ lúa đông xuân năm 2020 và xuất khẩu gạo. Theo đó, trong vụ lúa đông xuân 2020, tỉnh Đồng Tháp được mùa với sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn lúa. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tỉnh xuất khẩu ước đạt 76.554 tấn gạo, kim ngạch ước đạt 30 triệu USD; tăng 27% về lượng và 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 4/2020 kim ngạch xuất khẩu gạo giảm 20%.
 
Phó Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chú trọng chất lượng gạo. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng nâng cao năng lực DN xuất khẩu gạo, hướng tới chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
 
Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin về cuộc họp Thường trực Chính phủ về chống dịch Covid-19, trong đó nhận định, Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được Covid-19. Do đó, mọi hoạt động sẽ sớm trở lại bình thường. Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương, kể từ ngày 1/5/2020, dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo; đồng thời cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường; tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo; tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) nhằm duy trì, bảo đảm an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay.
 
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý xuất khẩu gạo, trong đó đảm bảo quyền lợi người sản xuất và DN; tạo thuận lợi tốt nhất cho việc xuất khẩu gạo tại Việt Nam.
 
Khánh Phan - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm