Theo Bộ Công Thương, cơ quan này đã nhận được công hàm số 02/shouan/333 ngày 20-4 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Do vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
Việc triển khai xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đang gặp vướng mắc - Ảnh: NLĐO
Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng.
Các giải pháp thay thế được Bộ Công Thương đưa ra như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị thúc đẩy Bộ MAFF xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN về Sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Bộ Công Thương đề nghị các Sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2020, tỉnh có hơn 28.000 ha trồng vải, sản lượng ước đạt hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, diện tích vải chín sớm là 6.000 ha, sản lượng khoảng 45.000 tấn thu hoạch từ ngày 20-5 đến 5-6; còn lại là vải thiều chính vụ, sản lượng khoảng 115.000 tấn, thu hoạch từ ngày 10-6.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều. Theo đó, kịch bản thuận lợi nhất là xuất khẩu tốt sang các thị trường truyền thống (như Trung Quốc) và các thị trường mới; kịch bản 2 là xuất khẩu được nhưng khó khăn và cuối cùng là không xuất khẩu được.
Minh Chiến - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)