Thời gian qua Việt Nam đang chứng kiến sự tăng kỷ lục về giá thịt lợn, một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong bữa cơm gia đình người Việt vì giá thành rẻ, dễ chế biến. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát kết hợp với dịch tả lợn Châu Phi làm cho nguồn cung thịt lợn bị thiếu trầm trọng. Có thời điểm giá thịt lợn thương phẩm đẩy lên từ 250.000 - 300.000 đồng/ kg.
Thủ tướng Chính phủ đã từng có chỉ đạo kiên quyết đưa giá thịt lợn xuống (dưới 60.000 đồng/kg thịt lợn hơi) trong thời gian tới bằng các biện pháp phù hợp, “ở đây tôi nói theo thị trường chứ không bao cấp được”. Thủ tướng nêu rõ, nếu thương lái cố tình đẩy giá thịt lợn lên cao thì Chính phủ sẽ quyết định nhập khẩu thịt lợn từ các nước về Việt Nam để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ở các chợ dân sinh ghi nhận giá thịt lợn vẫn giao động ở 160.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều ngày 5/5 phóng viên đã đặt câu hỏi về việc vừa qua, giá lợn bị đẩy cao, và trong thời điểm hiện nay vẫn cao, lên đến hơn 200.000 đồng, thậm chí gần 300.000 đồng/kg thịt lợn thành phẩm, trong khi việc tái đàn gặp khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ NN&PTNT nhập khẩu thịt lợn góp phần giảm áp lực giá cả CPI, còn các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lợn không muốn nhập và đẩy giá lên cao. Vì sao Bộ NN&PTNT không nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Ttrong phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương lên kế hoạch nhập khẩu thịt để cân đối cung cầu, giảm CPI. Phóng viên đặt câu hỏi Bộ NN&PTNT có hay không khuất tất, tạo vị thế độc quyền cung cấp lợn ra thị trường, vì lợi ích nhóm của các doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện nay, cơ chế quản lý giá nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn đang vận hành theo cơ chế thị trường, tuân thủ theo quy luật cung và cầu. Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều về việc giá lợn bị đẩy lên cao.
Về vĩ mô, điều này ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thậm chí cả cân đối nền kinh tế. Về vi mô, giá lợn cao ảnh hưởng rõ ràng đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nên người dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người dân có thói quen dùng nhiều thịt lợn. Dù thịt gia cầm đang rẻ, nhưng người dân vẫn dùng nhiều thịt lợn do chế biến được nhiều món ăn hợp khẩu vị người Việt Nam.
Vừa qua, việc giá lợn cao do quy luật cung cầu, mà ở đây là cung thiếu. Trước hết là lí do khách quan do dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc, kể cả sau này, khi ta đã dập cơ bản dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, trên toàn quốc nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân chưa yên tâm khi tái đàn, do lo ngại lợn có thể bị chết. Hơn nữa, nhiều gia đình gặp khó về nguồn vốn tái đàn, trong khi giống rất đắt có khi lên tới hơn 3 triệu đồng/lợn giống.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết: Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đàn lợn năm 2019 so với năm 2018 giảm 21%, nhưng theo báo cáo từ địa phương, sản lượng lợn có thể giảm trên 50%. Hiện các DN lớn chiếm 35% thị phần, vậy 65% còn lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp, trong khi các hộ này gặp khó khăn, nguồn cung thiếu lại càng thiếu.
Theo ông Đỗ Thắng Hải thì hiện có 2 cách tăng cung. Thứ nhất là tái đàn, Bộ NN&PTNT làm nhiều, các hộ chăn nuôi lớn cố gắng nhưng không phải trong thời gian ngắn khôi phục được lại ngay nguồn cung này. Theo báo cáo của các DN ở địa phương, khả năng đến cuối 2020 đàn lợn mới trở lại như trước có dịch tả lợn châu Phi…
Thứ hai là phải nhập lợn, hiện Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo giá đã yêu cầu Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành nhập lợn bù đắp lợn thiếu.
Tuy nhiên, đến hết tháng 4, theo thống kê của Hải quan, lợn nhập mới đạt 45.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn mà lãnh đạo Chính phủ giao.
Vì vậy hiện Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT phải tập trung tái đàn, phối hợp Bộ Công Thương, các bộ ngành khác trong việc tăng cường nhập lợn.
Theo quy định pháp luật hiện hành, hiện các DN nhập lợn chỉ phải làm thủ tục liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng lợn nhập, gửi đến Cục Thú y (Bộ NN&PTNT). Khi có giấy phép thì DN đến chi cục ở các vùng làm thủ tục tiếp. Sau khi có giấy phép của chi cục, DN không cần làm thêm thủ tục nào, kể cả với Bộ Công Thương mà có thể đến thẳng các cơ quan hải quan cửa khẩu làm thủ tục nhập khẩu.
"Chúng tôi tin tưởng thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các DN chăn nuôi kinh doanh lợn, có thể cuối năm, giá lợn sẽ bình ổn như trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Hiện có gần 20 DN trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, có thị phần lớn, chiếm 35%, qua kiểm tra, các DN không vi phạm chuyện thống lĩnh thị trường. Nhưng họ có ảnh hưởng lớn, ví dụ DN CP của Thái Lan lớn nhất chiếm gần 20% thị phần lợn toàn quốc (19,1%), gấp 15 lần thị phần DABACO, 6 lần thị phần CJ Hàn Quốc…
Vừa qua, họ có khai báo giá thành lợn xuất (lợn hơi) giảm 45.000-50.000 đồng/kg, nhưng giá đến tay người dân thực tế vẫn là 80.000-90.000 đồng/kg. Khi lãnh đạo Chính phủ có ý kiến, họ có cam kết hạ xuống 70.000 đồng nhưng thực tế, tiểu thương, thương lái mua được giá 70.000 đồng/kg rất khó khăn.
"Đây là việc mà các cơ quan như Bộ Công Thương đang kiểm tra việc thực hiện cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ, Bộ Tài chính kiểm tra về thuế phí hợp lý không, Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện đúng chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền", thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Huyền Phạm link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)