Ngày 30-5, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trần Sum, Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội), xác nhận doanh nghiệp (DN) đang thực hiện các thủ tục xin phép nhập khẩu heo thịt từ Thái Lan. Đây cũng là DN đang nhập khẩu 20.200 con heo giống bố mẹ (heo nái và heo đực) từ Thái Lan để nhân giống phục vụ tái đàn, tăng đàn heo đối với cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học. Hiện 1.950 con heo giống đã về đến trang trại cách ly trong tình trạng khỏe mạnh, không bị hao hụt.
Về kế hoạch nhập khẩu heo thịt, ông Sum cho biết do cùng đối tác xuất khẩu là Công ty Inspired Nutrient (liên doanh Thái Lan và Đan Mạch) nên chỉ cần có giấy phép nhập khẩu, 3-5 ngày sau, heo Thái Lan sẽ về đến Việt Nam để thực hiện cách ly kiểm dịch theo quy định. Cụ thể, heo sẽ từ cửa khẩu Thái Lan - Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) rồi chuyển về trại của DN tại Hà Tĩnh để cách ly 30 ngày trước khi đưa đi giết mổ.
"Chúng tôi đang phối hợp với đối tác xuất khẩu của Thái Lan làm việc với Cục Thú y Thái Lan để thúc đẩy quá trình đàm phán song phương Thái Lan - Việt Nam về thủ tục xuất nhập khẩu. Lợi thế của DN chúng tôi là có chuồng trại mới tinh với sức chứa 20.000 con đáp ứng được quy định cách ly kiểm dịch, bảo đảm an toàn cho chăn nuôi trong nước" - ông Sum thông tin.
Giá thịt heo trong nước đang ở mức quá cao
Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức là 1 trong 15 DN chăn nuôi cam kết bán heo hơi tại trại là 70.000 đồng/kg nhưng ông Phạm Trần Sum cho biết hiện tại DN không có heo thịt bán ra thị trường, quy mô của DN rất nhỏ so với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. "Giá heo hơi 100.000 đồng/kg là quá bất hợp lý. DN sẽ nhập khẩu heo giống, heo thịt vừa kinh doanh vừa góp phần bình ổn giá heo trong nước" - ông Sum thẳng thắn.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có văn bản đồng ý phương án của Cục Thú y là phân tích rủi ro nhập khẩu heo sống dựa trên hồ sơ nước xuất khẩu cung cấp. Sau khi hoàn thành đánh giá hồ sơ, Cục Thú y sẽ phối hợp với DN nhập khẩu tổ chức họp trực tuyến với cơ quan đồng cấp ở nước xuất khẩu để hoàn thiện các thủ tục tiếp theo. Sở dĩ phải có chủ trương này là do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên các cơ quan chuyên môn của Việt Nam không thể thực hiện đánh giá thực tế tại nước xuất khẩu.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu heo sống chính ngạch với mục đích lấy thịt. Một lãnh đạo Cục Thú y cho biết các lô heo sống nhập khẩu về Việt Nam có thể từ Lào, Campuchia và Thái Lan bằng đường bộ. Dự kiến, trong tháng 6 sẽ có lô heo sống đầu tiên được nhập khẩu sau khi Việt Nam và nước xuất khẩu thống nhất thủ tục xuất nhập khẩu.
Theo ông Văn Đức Mười, chuyên gia chăn nuôi, việc nhập heo từ Thái Lan là khả thi nhưng sẽ lệ thuộc vào các nước trung chuyển nên chi phí đội lên rất cao. Ngoài ra, quy định cách ly bắt buộc 30 ngày sẽ dẫn đến hao hụt lớn, khiến giá thành nhập khẩu heo hơi cao không kém giá trong nước.
Ông Mười cho rằng giải pháp cho nhập khẩu heo sống để hạ giá heo trong nước tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến sinh thái chăn nuôi và có tác động tiêu cực đến ngành. Về giá heo, ông Mười cho rằng nhà nước không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính mà nên tập trung đầu tư hỗ trợ con giống, an toàn sinh học để đẩy nhanh nguồn cung. "Giá heo nội địa quá cao, người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng dẫn đến giảm giá dần để tự điều tiết về mức giá hợp lý, trong lộ trình đó chăn nuôi phát triển sẽ bù đắp thiếu đàn" - ông Mười nêu.
Heo nhập khẩu giá có rẻ?
Theo tìm hiểu của phóng viên, giá heo hơi tại trại của Thái Lan từ 51.000 -55.000 đồng/kg, DN mua hàng tại cửa khẩu Thái Lan - Lào sẽ có giá 63.000 đồng/kg, sau khi cộng các chi phí về đến Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với giá heo trong nước.
Rau quả xuất siêu hơn 1 tỉ USD
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), 5 tháng đầu năm ước tính xuất khẩu rau quả đạt 1,5 tỉ USD, giảm 14,6% nhưng giá trị xuất siêu đạt hơn 1,02 tỉ USD, tăng 11,9% nhờ nhập khẩu trong ngành giảm đến 43,4% với giá trị 476,2 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, tính đến 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm đến 29%, đạt 745 triệu USD, trong khi 9 thị trường còn lại trong tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam đều tăng từ 8% - 224%. Tăng mạnh nhất là Thái Lan (224%), Nga (143%), Úc (46%)... nhưng chưa bù được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc do chiếm thị phần lớn.
V.Ngọc
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)