Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về cơ bản, Chính phủ và các bộ ngành cần có các cơ chế, chính sách hữu hiệu khuyến khích tái đàn, tăng nguồn cung để bù vào khoảng thiếu hụt do dịch tả gây ra.
Thịt heo về ít, lượng tiêu thụ giảm
Ngày 1-4, giá heo hơi khu vực TPHCM và các tỉnh, thành lân cận dao động ở mức 70.000 - 73.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với thời điểm ngày 1-3. Tuy nhiên, đến ngày 1-5, giá heo hơi khu vực TPHCM và các tỉnh, thành lân cận lại lên mức 86.000 - 89.000 đồng/kg, tăng khoảng 16.000 đồng/kg so với thời điểm 1-4 (thấp hơn khu vực miền Bắc từ 4.000 - 6.000 đồng/kg).
Ngày 15-5, giá heo hơi tiếp tục tăng tại khu vực TPHCM lên mức 90.000 - 93.000 đồng/kg và cho đến nay, giá heo dao động ở mức 95.000 - 98.000 đồng/kg.
So với cùng thời điểm này năm 2019, giá heo hơi hiện tăng gần gấp 3 lần. So với mức giá bình quân cả năm 2019, giá heo hơi tại thời điểm này đã gấp đôi. Giá heo hơi cũng kéo theo giá bán heo mảnh và heo pha lóc tăng khá cao. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, giá heo mảnh ngày 8 và 9-6 đứng ở mức bình quân 110.000 đồng/kg, giảm nhẹ 5.000 đồng/kg so với ngày 1-6.
Người dân chọn mua thịt heo tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Đáng lưu ý, mặc dù sản lượng heo về các chợ đầu mối của TPHCM giảm rất mạnh nhưng theo ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ Hóc Môn, cung vẫn đảm bảo cầu, không hề xảy ra tình trạng thiếu hụt. Nguyên nhân chính là do giá thịt heo tăng cao, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Nhiều bếp ăn tập thể cũng như người dân đã chuyển hướng sử dụng thực phẩm khác như bò, gà, cá để thay thế thịt heo.
Báo cáo của Sở Công thương TPHCM cho thấy, tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường tháng 4-2020 giảm khoảng 40% so với tháng 3-2020, do thực hiện giãn cách xã hội. Vào tháng 5-2020, phục hồi tương đối nhưng vẫn giảm 25% so với thời điểm tháng 3-2020. Trong đó, kênh phân phối hiện đại, sức mua tăng nhanh hơn kênh chợ truyền thống.
Cần chính sách khuyến khích tái đàn
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, giá thịt heo là giá thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Do đó, các cơ quan từ trung ương đến địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá heo từ đầu tháng 4-2020.
Cùng với các biện pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh heo thịt và thịt heo không rõ nguồn gốc; ngành chức năng còn hướng dẫn các địa phương khẩn trương tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học.
Tại TPHCM, đến nay, mặt hàng thịt heo vẫn được đưa vào danh mục hàng bình ổn thị trường (BOTT). Cụ thể, các DN tham gia BOTT tiếp tục cung ứng theo giá bán do Sở Tài chính công bố, đảm bảo sản lượng theo kế hoạch TP, đồng thời tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá (tùy ngày, tùy mặt hàng).
Lượng hàng bình ổn thị trường cung ứng ra thị trường 4.700 tấn/tháng. Giá bán duy trì (không thay đổi từ ngày 1-1-2020 đến nay), thịt heo đùi 140.000 đồng/kg, thịt vai 139.000 đồng/kg, thịt cốt lết 138.000 đồng/kg, sườn già 145.000 đồng/kg, chân giò 128.000 đồng/kg, thịt nách 134.000 đồng/kg; thịt nạc, vai, đùi 161.000 đồng/kg; thịt nạc dăm 161.000 đồng/kg; thịt ba rọi 179.000 đồng/kg; xương đuôi heo 115.000 đồng/kg; xương bộ heo 70.000 đồng/kg.
Thịt heo BOTT được phân phối tại các hệ thống phân phối hàng BOTT rộng khắp, người tiêu dùng có thể đến các hệ thống phân phối lớn để mua thịt heo đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý như Co.opmart, Co.op Food, Aeon Citimart, BigC, Lotte, Satrafood…
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Sở Công thương tiếp tục theo dõi sát thị trường thịt heo và thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, hải sản, rau củ quả… TP sẽ tiếp tục khuyến khích DN tăng cường nhập khẩu thịt heo; kích cầu thị trường thịt heo đông lạnh, thông qua việc tuyên truyền, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thịt đông lạnh, tăng cường cung ứng thịt đông lạnh phục vụ chế biến thức ăn làm sẵn, thực phẩm chế biến.
Ngưng hỗ trợ lãi vay với các hộ không còn chăn nuôi do dịch tả heo châu Phi
Liên quan các hộ chăn nuôi heo bị dịch tả heo châu Phi vay vốn theo Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM vừa chấp thuận ngưng hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp vay vốn đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn nhiên liệu và trả công lao động phục vụ chăn nuôi heo; khuyến khích các hộ chăn nuôi heo sử dụng tiền hỗ trợ thiệt hại đối với gia súc mắc bệnh dịch tả heo châu Phi để trả gốc và lãi vay.
Đối với trường hợp chủ đầu tư vay vốn đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn nhiên liệu và trả công lao động phục vụ chăn nuôi heo vẫn còn chăn nuôi, tiếp tục hỗ trợ lãi vay đối với số lượng heo mà hộ dân đang chăn nuôi. Riêng các phương án vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc, thiết bị phục vụ chăn nuôi heo, trường hợp chủ đầu tư không tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất theo đúng mục tiêu được quy định tại Điều 1 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 10/2017/NQ-HĐND của HĐND TPHCM ban hành quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiêp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo Quyết định 655/QĐ-UBND của UBND TP thì ngưng hỗ trợ lãi vay do không còn phù hợp với mục tiêu của TP.
MINH HUY
|
THÚY HẢI - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)