Tiếp cận kinh doanh sản phẩm nhà làm

Thứ tư, 17 Tháng 6 2020 07:26 (GMT+7)
Không cần mặt bằng, vốn ít, chỉ cần khéo tay, giao hàng tận nơi là có thể kinh doanh các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn online trên mạng. Bắt nhịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều người mạnh dạn thực hiện theo hình thức làm được món gì, kinh doanh món đó, vừa chiều lòng khách, vừa có thể mở ra cơ hội kiếm thêm thu nhập và cũng có thể xây dựng “thương hiệu” nhà làm.
Qua rồi cái thời “muốn ăn phải lăn vào bếp”, hiện nay các món ăn, thức uống được bán đầy đủ khắp các quán ăn, nhà hàng… nên không cần động tay mà làm. Để phục vụ các “thượng đế” ngày càng chu đáo, thực khách chỉ cần thực hiện các hình thức đặt hàng thông qua gọi điện, nhắn tin trên Facebook, Zalo, những thứ cần mua được giao tận nhà với phí vận chuyển không quá đắt đỏ. Hiện nay, hình thức mua hàng giao tận nhà đang được nhiều người tin dùng, nhất là người làm việc văn phòng.
Sản phẩm nước ép bưởi nhà làm của Phạm Lâm Hào (TP. Sóc Trăng) đang dần chinh phục khách hàng. Ảnh: NGỌC HẢI
 
Theo chia sẻ của những người kinh doanh các đồ ăn, thức uống nhà làm, vào thời gian giãn cách xã hội, nhiều người ngại ra đường nên việc kinh doanh thuận lợi hơn. Số lượng khách đặt hàng ngày càng tăng. Thêm nữa, để có thể đứng vững bằng hình thức kinh doanh này, sản phẩm làm nhà phải ngon, hợp vệ sinh, đẹp mắt và thay đổi thực đơn để khách hàng tin dùng, lựa chọn. Theo chia sẻ của Kiên Minh Mẫn (TP. Sóc Trăng) thì việc kinh doanh các món chế biến sẵn chủ yếu theo thời vụ, thời tiết. Thời tiết nóng thì nấu các loại nước uống giải nhiệt, sinh tố, yaourt, rau câu dừa. Ngoài ra, Mẫn bán thêm thức ăn sáng, bún nước lèo, bún thịt xào; ăn vặt gồm gỏi cuốn, chè khoai mì… Nếu mua số lượng nhiều thì miễn phí giao hàng tại TP. Sóc Trăng. Tuy nhiên, việc buôn bán này cũng theo thời vụ, không thường xuyên.
 
Còn với Huỳnh Thị Thến (TX. Ngã Năm), chỉ mới tập tành kinh doanh món ăn nhà làm gần đây. Theo em, hiện nay những món bán ngoài chợ khiến nhiều người e ngại không dám mua về ăn vì sợ trong quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, sử dụng hóa chất, chất bảo quản. Nhiều người thích món nhà làm hơn, tuy nhiên cũng có nhược điểm là không để lâu được. Biết làm mứt dừa nên dạo gần đây em cũng làm bán được nhưng do làm nhỏ lẻ nên việc tìm nguyên liệu cũng khó, có khách đặt hàng phải để khách chờ lâu.
 
Cũng là hình thức kinh doanh món nhà làm nhưng Phạm Lâm Hào (TP. Sóc Trăng) lại mong muốn xây dựng thương hiệu nước ép fruit Sóc Trăng, trong đó sản phẩm chủ yếu là nước ép bưởi. Hào chia sẻ: “Bưởi là loại trái cây có lợi cho sức khỏe và các thành phần của trái bưởi đều dùng làm thực phẩm và dược liệu. Mỗi ngày, ít nhất tôi bán được 30 chai nước ép bưởi. Do mua được bưởi tại vườn ở tỉnh Vĩnh Long nên không sợ thiếu nguồn nguyên liệu. Thêm nữa, đây là loại trái cây để lâu được, không sợ bị hư nên có thể trữ bưởi số lượng lớn để làm bán dần cho khách”. Tiết lộ về nguồn kinh phí đầu tư, Hào cũng không giấu: “Phần lớn chi phí bỏ ra là mua 2 cái máy ép nước bưởi tầm 6 triệu đồng. Rồi bỏ công ra làm, tuy nhiên sản phẩm làm bán theo đơn đặt hàng trước, không làm quá nhiều vì nước ép bưởi nếu trữ lạnh dùng được trong 1 – 2 ngày”.
 
Chia sẻ về việc kinh doanh, Hào bộc bạch: “Nếu tính bình quân trên tháng mình cũng sử dụng tầm 1 tấn bưởi mới đủ ép nước bán cho khách. Ban đầu chỉ là khách quen mua ủng hộ, thấy uống được, có lợi sức khỏe nên tin dùng và mua thường xuyên. Rồi người này giới thiệu cho người kia nên việc phân phối sản phẩm ngày càng tăng. Đặc biệt vào thời điểm nắng nóng, việc buôn bán thuận lợi hơn. Khách mua từ 2 chai là mình giao hàng tận nhà trong nội ô TP. Sóc Trăng nên khách cũng không lo mắc rẻ. Tuy nhiên, để gia tăng sự phong phú, mình bán thêm các sản phẩm khác như tinh dầu bưởi, nước ép một số loại trái cây theo mùa…”.
 
Cũng theo Hào chia sẻ thì việc kinh doanh sản phẩm nhà làm dựa trên tiêu chí vì sức khỏe cộng đồng thì sẽ dần thuyết phục khách hàng tin dùng. Những khách hàng của Hào khá phong phú từ người làm việc văn phòng, nội trợ đến người lớn tuổi… nên họ luôn có xu hướng so sánh để chọn lựa sản phẩm tốt nhất, giá cả phù hợp, tiện lợi để mua. Khi lần đầu mua hàng mà sản phẩm không đạt chất lượng thì xem như mất cơ hội, khách sẽ không mua tiếp lần 2. “Bán hàng online có ưu điểm là sản phẩm được quảng bá rộng, khách hàng tiềm năng nhiều nhưng nhược điểm là nếu sản phẩm không đạt chất lượng thì sẽ mất nhiều khách hàng tiềm năng do khách sẽ phản hồi thông qua trang mạng xã hội, nhiều người sẽ biết mà lơ sản phẩm mình kinh doanh” - Hào chia sẻ thêm.
 
Hình thức kinh doanh online sản phẩm nhà làm đang được sự lựa chọn của nhiều người từ sự tiện ích. Tuy nhiên, lĩnh vực này chỉ đứng vững với người có chiến thuật kinh doanh, sản phẩm đạt chất lượng… vì tính cạnh tranh cao. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đặt lên hàng đầu vì yêu cầu của khách hàng chính là điều này, nếu không đạt yêu cầu cơ bản này thì khó có thể kinh doanh.
 
NGỌC HẢI - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm