Thực phẩm tươi sống rầm rộ lên sàn

Thứ ba, 23 Tháng 6 2020 10:34 (GMT+7)
Thời gian giãn cách xã hội bởi dịch Covid-19 là cơ hội thúc đẩy sớm việc hình thành thói quen mua sắm thực phẩm trực tuyến, kênh mua sắm ít được các bà nội trợ quan tâm với nhóm hàng này
Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Shopee trong báo cáo mới nhất đã ghi nhận sự thay đổi đáng chú ý đối với danh mục sản phẩm thực phẩm. Theo đó, người dùng Việt Nam ưu tiên chọn mua sắm trực tuyến các mặt hàng thực phẩm nhiều hơn trước. Số lượt người dùng thường xuyên đặt mua thực phẩm trên Shopee trung bình mỗi tháng tăng đến 3,5 lần so với trước khi có dịch Covid-19.
 
Nhà bán hàng hào hứng
 
Shopee cũng cho biết nhờ nắm bắt xu hướng của khách hàng, các nhà bán hàng cùng các thương hiệu đã nhanh chóng thích nghi với giai đoạn bình thường mới khi cung cấp đa dạng danh mục sản phẩm thực phẩm, đồng thời sử dụng tính năng livestream (phát trực tiếp) nhằm thu hút người dùng bởi chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sàn TMĐT này phối hợp với dịch vụ giao hàng nhanh triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống trong 1 giờ qua NowFresh để người dùng dễ dàng đặt hàng và nhận thực phẩm tươi sạch, an toàn vệ sinh ngay tại nhà.
Thực phẩm tươi sống rầm rộ lên sàn - Ảnh 1.
Tỉ lệ khách hàng đặt mua thực phẩm tươi sống trên kênh online tăng nhanh trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Tương tự, Lazada Việt Nam sau lần đầu tiên triển khai cung cấp thực phẩm tươi sống trên sàn TMĐT vào giữa tháng 4, dù chưa công bố số liệu liên quan đến lượt mua và giá trị hàng hóa song cũng ghi nhận phản hồi rất tốt từ phía khách hàng. Tập hợp được nhiều doanh nghiệp (DN) uy tín tham gia cung cấp thực phẩm tươi sống như Meat Deli, Mega Việt Phát (chuyên kinh doanh thịt sạch, thịt nhập khẩu), Foodmap, Lothamilk… 
 
Lazada được đánh giá là tạo được sự tin cậy cho khách hàng trong việc mua đồ tươi sống trên mạng vốn nhiều rủi ro. "Dự kiến, chúng tôi sẽ phát triển thêm nhiều DN nhỏ và vừa kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm khác tiếp tục tham gia cùng Lazada. Việc tận dụng tối đa nguồn lực logistics sẵn có sẽ giúp chúng tôi mang thực phẩm tươi như trái cây, rau củ, thịt, cá đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm GlobalGAP, VietGAP đến tận nhà cho khách hàng trong 2 giờ" - đại diện Lazada cho hay.
 
Chỉ mới bắt đầu đưa mặt hàng vải thiều tươi lên bán trên ví điện tử MoMo từ ngày 10-6, trong vòng 10 ngày, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã bán hết 47 tấn quả vải. Sau 9 ngày "chạy" chương trình tại TP HCM, ngày 19-6, khách hàng tại TP Hà Nội đã có thể đặt mua vải thiều qua ví MoMo với giá 22.900 đồng/kg (giá bán tại TP HCM hiện là 29.000 đồng/kg).
 
Khá bất ngờ trước sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng mạng, Saigon Co.op đang tính toán giải pháp cải tiến, rút ngắn thời gian giao hàng trong vòng 48 giờ sau khi nhận đơn hàng xuống còn 24 giờ. Bên cạnh đó, thừa thắng xông lên, nhà bán lẻ này lên kế hoạch đưa thêm một số mặt hàng trái cây theo mùa vụ lên kinh doanh trên kênh TMĐT. "Sắp tới có thể là mặt hàng bơ, nhãn… và một số loại trái cây theo mùa khác. Mục tiêu là sẽ đưa toàn bộ ngành hàng tươi sống lên bán online trong tương lai, không chỉ trên MoMo mà còn Grab, Now và app Saigon Co.op" - ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho hay.
 
Ông Huy đánh giá với phương thức mua thực phẩm online, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn so với việc trực tiếp đến siêu thị, cửa hàng mua sắm. Ngoài ra, trên cơ sở đặt hàng của khách, nhà kinh doanh chủ động đặt hàng nhà sản xuất/cung cấp theo số lượng tương ứng nên sản phẩm giao đến tay người tiêu dùng luôn bảo đảm tươi ngon nhất. Sự chủ động này giúp nhà kinh doanh tiết giảm chi phí và phần chi phí tiết kiệm được dĩ nhiên sẽ tính vào giá bán. Vì vậy, người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng với giá tốt hơn. "Xu hướng sắp tới, phương thức kinh doanh này sẽ phát triển nhanh vì phù hợp với thị hiếu và điều kiện tiêu dùng tại các thành thị lớn" - ông Huy nhận định.
 
Không riêng nhà bán lẻ, một số DN sản xuất thực phẩm cũng bước đầu làm quen với kinh doanh online thông qua việc hợp tác với các sàn TMĐT, ví điện tử để phân phối sản phẩm. Vissan, Meat Deli… là ví dụ.
 
Đòi hỏi tiêu chuẩn cao
 
Câu hỏi đặt ra là các nhà bán lẻ trực tiếp tham gia bán hàng trực tuyến có gặp khó khăn gì không? Ông Đỗ Quốc Huy chỉ ra một số khó khăn, trong đó, vướng mắc lớn nhất là yêu cầu chuẩn hóa sản phẩm và cách đón nhận của người tiêu dùng. Nhà bán lẻ muốn tham gia thị trường kinh doanh trực tuyến thì phải đầu tư để chuẩn hóa quy cách sản phẩm, chuẩn hóa nền tảng bán hàng online và khâu logistics, hậu cần. Đơn cử việc chuẩn hóa, đến nay hầu hết mặt hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại siêu thị như thịt, cá, tôm, rau củ, trái cây… đều chưa được chuẩn hóa về trọng lượng và quy cách. 
 
"Khách hàng vẫn còn thói quen vào siêu thị chọn miếng thịt, trái dưa hấu… ưng ý rồi cân ký, quy ra tiền. Nếu đưa lên kênh online, cần nhất là quy cách chuẩn (chẳng hạn đóng gói 1 kg thịt, tất cả dưa hấu đều nặng 1 kg) để thuận tiện trong việc nhận đơn hàng, đóng gói, giao hàng…" - ông Huy nêu thực tế và cho biết Saigon Co.op đang làm việc với các nhà cung cấp để từng bước chuẩn hóa, cùng với đó là tập cho khách hàng làm quen với cách thức bán hàng mới: giảm bớt bán "xô" cho khách tự do lựa chọn, tăng tỉ lệ hàng hóa đóng gói sẵn để tiến tới tham gia sâu hơn vào "chợ mạng".
 
Đại diện Shopee nhìn nhận việc bán thực phẩm tươi sống trên mạng đòi hỏi nhà bán hàng và các thương hiệu phải đẩy mạnh tương tác với nền tảng TMĐT về mặt số hóa, cụ thể là sử dụng những công cụ hỗ trợ mới để kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Chẳng hạn Shopee Live đã trở thành một công cụ quan trọng để người bán giới thiệu các sản phẩm mới và đưa ra các bảo đảm về mặt chất lượng trong thời gian thực, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng và gia tăng lượt xem trên các buổi phát sóng trực tuyến. 
 
"Dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội đã tạo ra những thay đổi lớn trong lối sống của người tiêu dùng, tác động đến cách thức vận hành hoạt động kinh doanh của các thương hiệu và nhà bán hàng tại Việt Nam. Bối cảnh thực tế đòi hỏi không ngừng nỗ lực cải thiện hệ sinh thái nhằm đáp ứng kịp thời những thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, các thương hiệu và nhà bán hàng" - ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, nhận định. 
 
Ưu tiên sản phẩm tốt cho sức khỏe
 
Nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy lựa chọn được người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên hàng đầu là sản phẩm tốt cho sức khỏe như nông sản sạch, thực phẩm hữu cơ. Xu hướng này càng thể hiện rõ khi người tiêu dùng ngày càng có thu nhập cao hơn. Bởi vậy, Kantar Worldpanel Việt Nam cho rằng kênh bán hàng online phải bảo đảm nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm, cách thức đặt hàng thuận tiện, giao hàng nhanh... thì mới khiến người tiêu dùng từ bỏ thói quen mua thực phẩm trực tiếp để được "sờ tận tay, nhìn tận mắt" mà chuyển sang mua đồ tươi sống online.
 
Thanh Nhân - Thùy Dương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm