Giúp doanh nghiệp đưa hàng vào siêu thị

Thứ sáu, 26 Tháng 6 2020 10:22 (GMT+7)
Để góp phần giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Sở Công thương đã kết nối giao thương giữa nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với siêu thị Tứ Sơn (An Giang).
Hiện nay, các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) đang được tiêu thụ qua nhiều kênh, trong đó có các siêu thị, cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ hàng hóa qua các kênh này chưa nhiều. Vì thế, Sở Công thương đang tìm cách tháo gỡ những rào cản nhằm tăng cường liên kết, tạo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm vào được siêu thị và chuỗi cửa hàng.
 
Mới đây nhất, Sở Công thương đã tổ chức Chương trình kết nối sản phẩm, hàng hóa tỉnh Sóc Trăng vào siêu thị Tứ Sơn, siêu thị này không chỉ phục vụ cho người dân địa phương mà còn có lượng lớn khách du lịch từ các tỉnh, thành phố khác đổ về TP. Châu Đốc của tỉnh An Giang để tham quan và mua sắm.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày, giới thiệu. Ảnh: Hải Hà
 
Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh, việc đưa sản phẩm vào siêu thị, chuỗi cửa hàng là mong muốn chung của nhiều chủ thể tham gia OCOP để sản phẩm của mình được nhiều khách hàng biết đến. Anh Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Thiều (TX. Ngã Năm) cho biết: “Hiện tại, công ty tôi có các dòng sản phẩm như: trà mãng cầu, mãng cầu xiêm sấy dẻo, trà mãng cầu túi lọc, mứt mãng cầu xiêm… đặc biệt là trong các sản phẩm từ mãng cầu của công ty có 3 dòng sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao là trà mãng cầu hương vị thuần túy, trà mãng cầu hương vị đậm đà và trà mãng cầu túi lọc. Thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi đã từng bước đưa sản phẩm vào cửa hàng, siêu thị. Hy vọng khi tham gia chương trình kết nối với siêu thị Tứ Sơn do Sở Công thương tổ chức sẽ có thêm cơ hội để đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng ở An Giang và khách du lịch gần xa, góp phần nâng cao vị thế của các sản phẩm OCOP”.
 
Qua thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh phần lớn đều có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu nên gặp khó trong việc phát triển thị trường. Một số doanh nghiệp có chất lượng sản phẩm nổi trội nhưng vẫn còn cung ứng qua nhiều cửa hàng tạp hóa là chính.
Đại diện siêu thị Tứ Sơn tìm hiểu các sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Ảnh: Hải Hà
 
Chị Cao Thị Phương Mai - đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Vạn Đạt chuyên sản xuất khoai lang sấy ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Trung bình 1 tháng cơ sở chúng tôi cung ứng từ 200 - 300 thùng sản phẩm. Cơ sở cũng tự tin có quy trình sản xuất khép kín, không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu và sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện tại sản phẩm đã có mặt ở nhiều cửa hàng tạp hóa của tỉnh và ở một số tỉnh miền Tây. Chúng tôi đã ký kết biên bản ghi nhớ với siêu thị Tứ Sơn và đang trao đổi thỏa thuận các chính sách với siêu thị để có thể đưa hàng vào bán”.
 
Ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc siêu thị Tứ Sơn cho biết: “Sóc Trăng là tỉnh có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương, đây là điều chúng tôi quan tâm và là lý do để siêu thị phối hợp với Sở Công thương Sóc Trăng. Tuy nhiên, một số sản phẩm truyền thống có nhược điểm là chất lượng không đồng đều như chu kỳ trong năm, có thể vào mùa mưa chất lượng khác và mùa nắng chất lượng lại khác. Đây cũng là vấn đề mà doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần cân nhắc vì với tâm lý người tiêu dùng, việc ăn quen, ngủ quen, dùng quen sẽ khó thay đổi. Qua việc kết nối lần này, tôi cũng ấn tượng với nhiều sản phẩm OCOP của Sóc Trăng và tôi nghĩ rằng thời gian tới sẽ kết nối với Sở Công thương”.
 
Thời gian qua, xúc tiến thương mại là hoạt động thường xuyên được Sở Công thương thực hiện. Từ đó có nhiều chương trình ký kết hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp với đối tác, doanh nghiệp cũng từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và quảng bá thương hiệu.
 
Theo ông Hứa Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương, nếu các sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa vào siêu thị Tứ Sơn để phục vụ cho người tiêu dùng sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy cho nền kinh tế vùng nông thôn phát triển. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch khảo sát 8 tỉnh miền Trung Nam bộ, một số tỉnh ở miền Bắc và đã giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại tham mưu để mời một số doanh nghiệp của tỉnh tham gia khảo sát thị trường, tổ chức chương trình kết nối cung cầu giao thương hàng hóa.
 
Hải Hà - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm