Theo chị Dung, những năm trước để được thưởng thức sầu riêng, chị phải chi ra cả trăm ngàn đồng vì sầu riêng "ăn được" hiếm khi có giá dưới 80.000 đồng/kg nhưng nay chỉ cần một nửa số tiền đã có thể thưởng thức đặc sản này.
Chỉ 35.000 - 40.000 đồng, người tiêu dùng có thể mua được một quả sầu riêng
Trước đây sầu riêng giá cao, nên chỉ được bán ở các điểm chuyên doanh sầu riêng, các cửa hàng trái cây hoặc sạp trong chợ, những điểm bán trái cây bình dân hầu như không kinh doanh mặt hàng này. Nhưng năm nay thì khác, người tiêu dùng TP HCM có thể ra ngõ gặp sầu riêng, nhất là những đợt thu hoạch rộ.
Chị Nguyễn Thị Chín, tiểu thương bán trái cây trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), cho biết đã buôn bán nhiều năm nhưng năm nay lần đầu bán sầu riêng khi giá mặt hàng này xuống dưới 50.000 đồng/kg. "Những loại quả nhỏ, từ 1 – 1,5 kg/quả còn dễ bán hơn khi mỗi quả chỉ từ 35.000 – 50.000 đồng/kg, hầu như ai cũng mua được. Nhưng bán mặt hàng này phải chọn nguồn uy tín vì khi bán phải "bao ăn" thì người tiêu dùng mới mua. Hồi đầu chưa quen, ham rẻ tôi mua trúng sầu riêng bị sượng, nhạt mất luôn cả vốn" – chị Chín kể.
Không chỉ chợ truyền thống mà nhiều siêu thị năm nay cũng đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng sầu riêng nhờ giá rẻ. Tại Big C, Co.opMart, sầu riêng Ri 6 có giá gốc 89.000 đồng/kg nhưng thường xuyên được giảm giá còn trên dưới 50.000 đồng/kg. Như hệ thống Big C, sầu riêng Ri 6 hiện giá chỉ 49.000 đồng/kg nên thu hút rất đông khách mua.
Sầu riêng Ri 6 bán tại Big C Miền Đông (quận 10)
Theo đại diện một công ty chuyên cung cấp trái cây nội địa, năm nay lượng sầu riêng đưa vào hệ thống siêu thị tăng mạnh. "Họ còn có nhiều nhà cung cấp khác, không chỉ công ty tôi. Hiện là mùa sầu riêng Tây Nguyên, chất lượng sầu riêng năm nay rất tốt, giá mua từ nông dân khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri 6, sầu riêng Dona (Monthong) cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg" – đại diện nhà cung cấp này thông tin.
Sầu riêng được mệnh danh là loại trái cây "tỉ đô" mới của Việt Nam khi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong nhiều năm liền. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2008 đến 2018, diện tích sầu riêng tăng gần 3 lần, từ 17.500 ha lên 47.300 ha, sản lượng từ 93.000 tấn lên 478.600 tấn. Tuy nhiên, đầu ra của sầu riêng chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc do Việt Nam và Trung Quốc chưa đàm phán xong để xuất khẩu chính ngạch. Năm 2020, Trung Quốc siết đường tiểu ngạch và do tác động của Covid-19 nên xuất khẩu sầu riêng giảm liên tục.
Xuất khẩu giảm gần 90%
Theo cập nhật mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2020, sầu riêng xuất khẩu chỉ đạt 18 triệu USD, giảm đến 87,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Bài, ảnh: Ngọc Ánh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)