Cấp tập phát triển hàng nhãn riêng
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc bộ phận hàng nhãn riêng Saigon Co.op, cho biết từ đầu năm đến nay, dù chịu ảnh hưởng chung của 2 đợt dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng của hàng nhãn riêng rất tốt. Những thời điểm xảy ra dịch bệnh, tiêu thụ các mặt hàng nhãn riêng ở nhóm lương thực - thực phẩm, dung dịch vệ sinh, tẩy rửa, khẩu trang tăng trưởng rất cao so với mặt bằng chung.
Saigon Co.op liên tục làm việc với các đối tác hiện hữu và tìm thêm đối tác mới để bảo đảm lượng hàng dồi dào, đa dạng nhằm tăng sự lựa chọn cho khách hàng. "Chúng tôi đang làm việc với nhà cung cấp để phát triển thêm nhiều sản phẩm, hướng đến sự tiện dụng cho khách hàng. Chẳng hạn, các siêu thị Co.opmart đang bán gà nguyên con, đùi gà, cánh gà, chân gà…, sắp tới sẽ có hàng nhãn riêng là gà nửa con với đầy đủ đùi, cánh, ức…" - ông Hoàng Anh thông tin.
Lotte Mart cũng cho biết với lợi thế về chất lượng sản phẩm đi kèm giá cả phải chăng và mẫu mã hiện đại, thương hiệu Choice L của hệ thống này vẫn tăng trưởng tốt từ lúc dịch bùng phát đến nay. Bắt đầu ra thị trường từ năm 2016, đến nay Choice L đã có hơn 2.000 mã sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, đồ gia dụng, thời trang…
Đầu tư mạnh nhất cho mảng sản phẩm mang thương hiệu riêng hiện nay phải kể đến Aeon - thương hiệu bán lẻ đến từ Nhật. Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, cho biết từ khi thành lập vào năm 2016 đến nay, công ty đã phát triển được 658 mã hàng sản xuất tại Việt Nam. Theo kế hoạch, năm nay công ty sẽ phát triển thêm 280 mã sản phẩm.
"Cùng với việc hướng dẫn cho nhà máy, chúng tôi sẽ sản xuất ra các sản phẩm có thể được sử dụng cả ở nước ngoài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, chọn trong số những sản phẩm đang được sản xuất tại Trung Quốc hay Hàn Quốc cho thị trường Nhật Bản mà Việt Nam cũng có thể sản xuất được để hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật cho các nhà sản xuất Việt Nam" - Tổng Giám đốc Aeon Topvalu nêu rõ. Theo đó, nhóm hàng may mặc (toàn bộ các loại vải sợi), thực phẩm (thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo) sẽ được ưu tiên.
Hệ thống GO! Big C (thành viên của Central Group) thì đang kinh doanh 4 nhóm sản phẩm nhãn hàng riêng là trứng tươi, xúc xích tươi, bánh bao, rau củ đông lạnh. Với lợi thế về giá, sản phẩm nhãn hàng riêng giúp người tiêu dùng có được khoản tiết kiệm đáng kể trong chi tiêu và cân đối ngân sách gia đình.
Khách mua hàng nhãn riêng tại hệ thống Co.opmart. Ảnh: TẤN THẠNH
Nâng tầm sản phẩm Việt
Nhìn lại giai đoạn đầu các nhà bán lẻ khai thác mảng kinh doanh hàng nhãn riêng, không ít nhà sản xuất đồng thời là nhà cung cấp cho các hệ thống bán lẻ chỉ miễn cưỡng nhận gia công bởi lo ngại hàng nhãn riêng sẽ "giành đất" của hàng chính hãng trong cùng 1 điểm bán, gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và thương hiệu doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, qua vài năm "đi cùng nhau", hầu hết nhà sản xuất đã biết cách "chung sống hòa bình" với hàng nhãn riêng và tận dụng nhóm sản phẩm này để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình. Đặc biệt, trong giai đoạn Covid-19, đơn hàng nhãn riêng gia tăng đã cứu nguy cho nhiều DN sản xuất thực phẩm chế biến khi mảng xuất khẩu gần như tê liệt.
Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, tiết lộ từ đầu năm 2020 đến nay, tất cả hệ thống bán lẻ mà Sài Gòn Food nhận gia công đều yêu cầu bổ sung sản phẩm mới. "Chúng tôi có cách làm để hàng nhãn riêng không ảnh hưởng đến hàng của thương hiệu mình. Chẳng hạn, cùng là cháo dinh dưỡng ăn liền nhưng những mã hàng công ty bán chạy, gắn với thương hiệu Sài Gòn Food thì không nhận gia công; loại nào nhận gia công thì không sản xuất theo thương hiệu công ty. Hàng nhãn riêng cho Saigon Co.op có cháo tôm, cháo chay, cháo nấm, cháo gạo lứt…, còn hàng chính thức của Sài Gòn Food không có những vị này. Ngoài ra, sản phẩm nào đã nhận gia công cho nhà bán lẻ này thì không làm cho nhà bán lẻ khác" - bà dẫn chứng.
Theo bà Lâm, cái lợi lớn nhất khi làm hàng nhãn riêng là chỉ chuyên tâm sản xuất; các khâu còn lại như làm thương hiệu, marketing, trưng bày, khuyến mãi… đã có nhà phân phối lo.
Giám đốc một DN thực phẩm khác phân tích sản phẩm bán trong siêu thị tốn rất nhiều chi phí trưng bày, marketing cùng nhiều hoạt động khác. Trong khi đó, nếu làm hàng nhãn riêng, nhà sản xuất không phải lo khâu tiếp thị bán hàng nên lợi nhuận ổn định, nhà phân phối có sản phẩm để chủ động kinh doanh với lợi nhuận tốt hơn còn người tiêu dùng lại được sử dụng sản phẩm với giá tiết kiệm hơn. Những lúc sức mua giảm sút như hiện tại, hàng nhãn riêng được nhà bán lẻ tận dụng để khuyến mãi tối đa nhằm tiếp cận, chăm sóc và lôi kéo người tiêu dùng đến mua sắm.
Kể câu chuyện nhiều nhà cung cấp hàng nhãn riêng cảm ơn Saigon Co.op đã tạo đầu ra ổn định cho DN họ trong thời gian qua, ông Võ Hoàng Anh chỉ ra 2 vấn đề quan trọng nhất đối với hàng nhãn riêng là chất lượng và giá. Riêng về giá, do nhu cầu tiêu thụ lớn, nhà phân phối luôn đặt hàng số lượng lớn nên nhà cung cấp chủ động dự trữ nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất, giảm giá thành sản xuất.
Theo đại diện Lotte Mart, việc hợp tác cùng các đối tác dựa trên tiêu chí hai bên cùng có lợi và quan hệ bền vững. "Chiến lược của Choice L là mang đến cho người tiêu dùng các dòng sản phẩm chất lượng tốt - giá cả hợp lý, phù hợp với mọi đối tượng, tạo ra giá trị vượt trội" - Lotte Mart khẳng định.
Ngoài ra, để nâng tầm hình ảnh sản phẩm Việt Nam kế thừa tiêu chuẩn quốc tế đồng nghĩa với việc Lotte Mart phải chọn lọc kỹ lưỡng trong việc tìm kiếm những đối tác đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quy chuẩn này.
Trong khi đó, Aeon Topvalu cho biết công ty có kiến thức và kinh nghiệm để có thể tính toán chi phí sản xuất, hướng dẫn cho nhà máy giảm thiểu tỉ lệ tổn thất, nâng cao hiệu suất sản xuất. Dù cho trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19, mối quan hệ và chính sách dành cho nhà cung cấp gia công hàng nhãn riêng của công ty vẫn không có gì thay đổi.
Một hướng đi khác
Theo bà Lê Thanh Lâm, đang có xu hướng mới trong việc phát triển hàng nhãn riêng của các hệ thống phân phối. Có ít nhất 2 hệ thống phân phối, gồm một hệ thống cửa hàng thực phẩm tiện lợi và một hệ thống phân phối sản phẩm cho bà mẹ - trẻ em đặt Sài Gòn Food làm hàng nhãn riêng. Điều kiện mà họ đưa ra là nhãn sản phẩm sẽ ghi song song thương hiệu nhà phân phối và nhà sản xuất. "Với những nhà phân phối chưa từng kinh doanh hàng nhãn riêng, việc phát triển sản phẩm mới theo cách này là một lựa chọn an toàn để bảo chứng cho chất lượng. Khi nhìn thấy thương hiệu của những nhà sản xuất uy tín đặt song song với thương hiệu nhà phân phối trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng sẽ yên tâm mua hàng" - bà Lâm giải thích.
Thanh Nhân - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)