Bình ổn thị trường cuối năm

Thứ sáu, 18 Tháng 12 2020 10:21 (GMT+7)
Thời gian qua, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Nguồn hàng hóa nông sản ổn định, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu mua sắm của người dân.
 
Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu
 
Những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh bị đình trệ, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của người dân trong tỉnh, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản, trái cây chịu nhiều tác động vì nhu cầu tiêu thụ giảm và không ổn định. Bên cạnh đó, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều biến động, nhất là mặt hàng thịt heo do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Trước những diễn biến khó lường đó, ngành công thương tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng phương án dự trữ nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch Covid-19, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời theo nhu cầu của Nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang... Từ sự chủ động đó, đã giúp các cửa hàng và hệ thống siêu thị cân đối và đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho người tiêu dùng.
Thịt heo là mặt hàng được tiêu thụ mạnh, nhất là trong dịp tết.
 
Đặc biệt, thời gian qua, tình hình giá cả mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung tăng cao làm mất ổn định thị trường, ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng và đời sống Nhân dân. Để thực hiện tốt các biện pháp bình ổn thị trường, ổn định giá cả mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh, ngành công thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, địa phương thực hiện khảo sát thực tế, lựa chọn các điểm dự kiến bán thịt heo bình ổn giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh với giá bán thấp hơn từ 10-20% so với thị trường. Hiện tại, đã hình thành được một điểm bán bình ổn giá của Công ty C.P tại thị xã Long Mỹ và Công ty Nguyễn Đan tiến hành triển khai xây dựng một điểm tại thành phố Ngã Bảy và tiếp tục xây dựng tại các huyện còn lại.
 
Tiểu thương Lê Tuyết Mai, ở chợ Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho hay hàng hóa về chợ tương đối ổn định. Tuy nhiên, đợt triều cường vừa qua đã làm ảnh hưởng nhiều rau màu, cây ăn trái của người dân nên tới đây khả năng nguồn cung sẽ bị ảnh hưởng, nhất là mặt hàng trái cây cho dịp tết.
 
Qua tổng hợp và đánh giá từ các siêu thị, các địa phương, tình hình thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn luôn đảm bảo ổn định. Nhìn chung, từ đầu mùa dịch đến nay việc dự trữ và cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân luôn đảm bảo đầy đủ, hàng hóa đa dạng, không có hiện tượng thiếu hàng. Một số đơn vị kinh doanh đã triển khai thực hiện phương thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, giao hàng tận nhà, góp phần hạn chế tụ tập đông người tại các điểm mua, bán hàng hóa. Các đơn vị đều có kế hoạch nhập hàng đầy đủ để kịp thời phục vụ nhu cầu của người dân.
 
Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết: Trên cơ sở ký kết thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa giữa Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, hiện nay các tỉnh, thành đã phối hợp trao đổi thông tin về tình hình thị trường dịp cận tết. Trong trường hợp cần thiết có sự khan hiếm hàng hóa cục bộ, Sở Công thương sẽ liên hệ các tỉnh, thành hỗ trợ, điều động nguồn hàng nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.
 
Tăng cường kiểm tra hàng hóa
 
Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá cả hàng hóa; tình hình mua, bán, dự trữ hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh như các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa, các quầy thuốc, kho dự trữ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là kiểm tra việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo kịp thời, đầy đủ cho người dân, tránh việc găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, gây hoang mang trong dân, cản trở việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
 
Bên cạnh đó, cũng phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chỉ thị tăng cường các biện pháp tổ chức đón Xuân Tân Sửu năm 2021 và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó, hướng dẫn các doanh nghiệp sớm chủ động chuẩn bị đầy đủ, kịp thời lực lượng, hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu, góp phần ổn định thị trường, bình ổn giá cả. Chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
 
Theo ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tổ chức kinh doanh đúng pháp luật, chấp hành nghiêm các quy định về giá, chất lượng hàng hóa; kiểm tra, kiểm soát tốt các tuyến đường bộ, các khu vực buôn bán trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch và công tác phòng, chống dịch. Thực hiện niêm yết giá theo quy định và bán theo giá niêm yết. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Do tết là dịp các đối tượng thường lợi dụng để hoạt động mạnh và thực hiện các hành vi phạm tội về hàng hóa, vì vậy lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng cần có kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đầu cơ, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống Nhân dân trong dịp tết. Tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông dễ dàng; hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ hàng đưa hàng hóa vào bán tại những điểm được quy định trong nội thành; đưa hàng hóa phục vụ Nhân dân các khu vực vùng sâu, vùng xa, công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Tập trung phát hiện, bắt giữ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất hàng giả để đưa ra truy tố, xét xử làm bài học răn đe cho các đối tượng khác.
 
Đối với Tổng cục Quản lý thị trường cũng có kế hoạch về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, xăng dầu, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho Nhân dân.
 
Kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu; các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bình ổn thị trường...
 
Bằng nguồn vốn tự cân đối, hiện nay đã có 7 đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị hàng hóa ước đạt khoảng 120 tỉ đồng. Các đơn vị gồm: Chi nhánh Hậu Giang - Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincomerce (Siêu thị VinMart chi nhánh Hậu Giang), siêu thị Co.opMart Vị Thanh, siêu thị Co.opMart Ngã Bảy, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam bộ - chi nhánh xăng dầu Hậu Giang, Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - chi nhánh Hậu Giang, Công ty TNHH CJ VINA AGRI - chi nhánh Bình Dương.
Bài, ảnh: HOÀI TÂM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Lương thực - Thực phẩm