Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người dân.
Đảm bảo cung cầu hàng hóa
Trước tình hình dịch Covid-19 tác động không nhỏ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh cũng sẽ có biến động. Kinh nghiệm từ năm 2020, Hậu Giang đã chủ động xây dựng kịch bản, phương án dự trữ nhằm ứng phó, phòng chống dịch trong mọi tình huống. Giám đốc Sở Công thương Huỳnh Thanh Phong khẳng định: Ngành công thương phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cùng doanh nghiệp, hệ thống siêu thị và cửa hàng bách hóa xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng so với bình thường. Ngoài 5 cấp độ kịch bản đã xây dựng, còn có biện pháp ứng phó khi có tình huống giãn cách xã hội. Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã triển khai phương án dự trữ hàng hóa với tổng giá trị ước tính trên 300 tỉ đồng.
Lợi thế của tỉnh là hiện nay có các kho chứa của nhiều doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn đóng trên địa bàn, như tổng kho hàng hóa của Bách Hóa Xanh, kho hàng khu vực miền Tây của Co.opMart tại huyện Châu Thành A. Rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và kịp thời phân phối khi có tình huống cấp bách, kể cả đối với các tỉnh lân cận. Như tổng kho lớn nhất khu vực miền Tây của Bách Hóa Xanh với sức chứa khoảng 5.600m3, diện tích khoảng 10.000m2. Đây là kho cung cấp hàng hóa cho các cửa hàng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, một phần địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Theo phụ trách kho hàng tại đây, mỗi ngày lượng hàng hóa xuất kho trung bình từ 100-110 tấn, mức độ tồn kho khoảng 30 ngày, lượng hàng hóa lưu thông liên tục, đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng ngày và cả trong tình huống có dịch.
Chị Phan Thị Bích Ngọc, Quản lý cửa hàng Bách Hóa Xanh tại thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, thông tin: So với năm trước, trường hợp khách hàng mua nhiều hàng hóa trong thời điểm có dịch đã giảm. Các loại thực phẩm nhất là mì gói được mua nhiều năm trước nhưng năm nay sức bán ổn định. Các mặt hàng khác không có nhu cầu tăng đột biến. Một số thói quen mua sắm khách hàng duy trì là đi mua hàng thưa hơn, giảm số lần đi tới cửa hàng, mua cách ngày để giảm thời gian ra ngoài. Sức mua chỉ tăng nhẹ ở một số mặt hàng phục vụ phòng dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, tuy nhiên do có sự chuẩn bị từ trước nên nguồn cung vẫn đảm bảo, không có hiện tượng thiếu hàng cục bộ.
Nhân viên đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc ở các cửa hàng bách hóa.
Siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch
Cung ứng hàng hóa thiết yếu là khâu quan trọng, không thể bị ngưng trệ trong mọi tình huống. Do đó, các yếu tố an toàn tại những cửa hàng kinh doanh, buôn bán, chợ cần được đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Long Hải, phụ trách cửa hàng Bách Hóa Xanh khu vực Ngã Bảy, cho biết: Công ty đã triển khai hướng dẫn phòng dịch từ Bộ Y tế đến tất cả cửa hàng, nhân viên phải đeo khẩu trang, bố trí đo thân nhiệt và điểm rửa tay trước khi vào cửa hàng, nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang và phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế tại địa phương khi có những hướng dẫn mới nhất. Riêng tại kho hàng hóa, đại diện đơn vị này cũng cho biết do số lượng nhân viên khoảng 110 người, mỗi ca trung bình bố trí khoảng 50 nhân viên. Do đặc thù phải tiếp nhận hàng hóa từ nhiều nơi và vận chuyển đến nơi khác nên công tác kiểm soát thực hiện nghiêm ngặt hơn như 100% nhân viên phải cài đặt ứng dụng Blue Zone, đeo thẻ kiểm soát, xe hàng vào phải thực hiện khai báo y tế.
Vừa qua, Đoàn liên ngành Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch cũng như dự trữ hàng hóa của một số chợ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Ông Phan Văn Chính, Quyền Cục trưởng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang, Trưởng đoàn công tác đánh giá: Hầu hết các cơ sở đều đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên tại các chợ, một bộ phận tiểu thương vẫn còn lơ là, đeo khẩu trang chưa đúng cách nên đoàn yêu cầu ban quản lý chợ phải kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Mặt khác cũng cần khắc phục, xử lý ngay những nơi bán hàng không nhãn mác, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và không đúng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Đối với các cơ sở có đông nhân viên, đoàn kiểm tra yêu cầu phải xây dựng ngay phương án phòng, chống dịch, còn với các kho, bãi có tiếp nhận hàng hóa từ ngoài tỉnh cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ đúng theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)