Trong khi gỏi gà măng cụt đòi hỏi người làm phải tốn nhiều tiền của (do giá gà và măng cụt cao) và công sức thì món trà mãng cầu lại bình dân hơn nên được nở rộ nhanh chóng.
Trà mãng cầu từ mạng xã hội nhanh chóng vào thực đơn các tiệm giải khát
Trà mãng cầu nhan nhản trên đường phố
Mãng cầu xiêm tăng giá
Món mới được bổ sung trong thực đơn
Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, trà mãng cầu đã vào thực đơn các hàng quán, được quảng cáo khắp nơi. Điều này đã kéo giá nguyên liệu chính là mãng cầu xiêm (hay mãng cầu gai) tăng lên nhanh chóng.
Chị Thanh Mai (ngụ quận 1, TP HCM) không khỏi bất ngờ khi giá mãng cầu xiêm những ngày gần đây tăng vọt lên 50.000 – 80.000 đồng/kg trong khi trước đây loại quả này chỉ xoay quanh giá 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Ghi nhận của chúng tôi tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), mãng cầu xiêm được bán nhiều hơn trước và giá tăng gấp 2, 3 lần trước đây. Theo tiểu thương, nhờ "trend" trà mãng cầu mà loại quả này bị sốt giá. Dù vậy, giá mặt hàng này chênh lệch khá nhiều tại các điểm bán do chất lượng loại quả này không đều. "Muốn có quả ngon thì mức giá phải từ 65.000 đồng – 80.000 đồng/kg, mua rẻ dễ gặp quả phải bỏ đi." – người bán chia sẻ.
Mãng cầu gai tăng giá 2-3 lần
Trong khi đó, trên các hội nhóm của cộng đồng các chủ quán cà phê, giải khát cũng than trời vì giá mãng cầu tăng vọt nhưng không gom đủ hàng có chất lượng để làm hàng cho khách. Nhiều chủ quán chia sẻ doanh số mặt hàng trà mãng cầu tăng vọt khi món này đang "vào trend".
Mãng cầu xiêm được đưa về TP HCM nhiều hơn nhưng giá bán cao hơn khi nhu cầu tăng vọt
Theo giới xuất khẩu trái cây, mãng cầu xiêm là một loại quả ngon và nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu dưới hình thức sơ chế (bóc vỏ, đóng hộp) và được khách quốc tế ưa chuộng. Trước đây, trong một số hội nghị về mở cửa trái cây, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam từng đề nghị đưa quả mãng cầu gai vào danh sách ưu tiên đàm phán vào thị trường Mỹ. "Đây là quả có giá bán cao tại Mỹ, nêu được xuất khẩu thì dư địa lợi nhuận và thị trường rất tốt" – ông Tùng nêu.
Dù vậy, thực tế mãng cầu xiêm hiện chưa có vùng trồng tập trung, chủ yếu được trồng xen canh tại các vườn cây ăn trái tại ĐBSCL và Tây Nguyên.