Hình thức cho vay tín chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân và hộ khẩu được đối tượng cho vay dán quảng cáo vô tư trên đường.
“Khi nào cần vốn xoay xở, tôi chỉ cần gọi một cú điện thoại, trong tích tắc, tôi sẽ vay được 5 hoặc 10 triệu đồng. Thủ tục vay nhanh gọn, không cần hồ sơ hoặc chứng thực của cơ quan nào cả. Tôi chỉ cần đưa giấy Chứng minh nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu cho những người cho vay này cất giữ, làm tin mà thôi” - Bà L.T.T.L. (ở phường Phước Thới, quận Ô Môn) chia sẻ.
Hằng ngày, bà L. kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, thu nhập cũng có “đồng ra, đồng vô”, phụ giúp gia đình trang trải các khoản chi phí sinh hoạt trong nhà. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, do kinh tế gia đình gặp khó khăn, qua giới thiệu của bạn bè, bà L. quen biết, rồi bị cuốn vào vòng xoáy không lối thoát của các đối tượng kiếm sống bằng hoạt động “tín dụng đen”. Để cho vay 5 triệu đồng, đối tượng cho vay này lấy trước 500.000 đồng và góp trước 3 ngày tiền lời, tổng cộng 1.100.000 đồng, bà L chỉ nhận được 3.900.000 đồng còn lại. Với mức vay này, bà L. phải góp 27 ngày, mỗi ngày 300.000 đồng. “Biết rằng lãi suất như vậy là cao, nhưng do cần tiền xoay xở, nên tôi chấp nhận vay. Trong quá trình góp tiền được mười ngày hoặc hai mươi ngày, tôi có thể trả dứt, để tiếp tục vay mới. Cứ thế, vòng lẩn quẩn vay vốn lãi cao này tôi phải theo hoài”.
Ngày nay, trường hợp như bà L. không hiếm. Bà N.T.H. (ở xã Trường Thành, huyện Thới Lai) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Hằng ngày, bà H. buôn bán đồ rẫy ở chợ Trường Thành. Do kẹt vốn xoay xở, bà H. cũng hai, ba lần vay vốn của các đối tượng cho vay lãi cao. Bà H. cho biết: “Tôi buôn bán nhỏ, khi cần tiền xoay xở chuyện học hành của con cái thì khó tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng. Vì thế, tôi mới hỏi vay tiền của các đối tượng cho tiền góp hằng ngày. Hình thức vay vốn này khá đơn giản, tôi chỉ cần đưa cho họ Giấy chứng minh nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu, tôi được nhận tiền ngay và có nghĩa vụ trả góp hằng ngày cho họ theo mức góp đã thoả thuận”...
Khởi phát của “tín dụng đen” bắt đầu từ những bạn làm ăn buôn bán cho nhau vay, giúp đỡ nhau trong lúc cần vốn. Do đặc điểm của hình thức huy động vốn này vô cùng đơn giản: Không phải thế chấp, cầm cố tài sản, không cần xác nhận chữ ký, chỉ cần trao đổi bằng lời hoặc cẩn thận hơn làm một tờ giấy viết tay cam kết giữa người cho và người mượn. Chủ yếu là vay mượn bằng niềm tin. Tuy nhiên, với mức lãi suất cao nhiều mà nhiều đối tượng cho vay trả góp đưa ra, khiến phần lớn người vay rất khó hoàn trả đúng hạn, dẫn đến “lãi mẹ đẻ lãi con” và mất khả năng chi trả. Nhiều gia đình đã tan cửa nát nhà, nhiều người phải bỏ đi tha phươngkhông dám trở về quê nhà bởi sợ phải đối mặt với áp lực từ những chủ nợ...
Theo quy định pháp luật, hiện nay, trần lãi suất cho vay trong pháp luật dân sự quy định tối đa là 20%/năm, nhưng trên thực tế, hầu hết hoạt động “tín dụng đen” này đều vi phạm quy định về lãi suất. Ngoài ra, cách thức thu hồi nợ cũng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, hình sự. Theo ông Huỳnh Bé Thịnh, Trưởng Công an xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thì người dân cần nâng cao cảnh giác với hoạt động vay vốn theo hình thức “tín dụng đen” này. Bà con nên tiếp cận nhiều hơn kiến thức về tài chính, pháp lý để hiểu rõ những nội dung, quy định trong văn bản thỏa thuận giữa người vay và người cho vay; cần am hiểu về pháp luật để biết những quy định liên quan đến lãi suất, trần lãi suất. Bên cạnh đó, nếu muốn vay vốn phát triển kinh tế gia đình bà con nên liên hệ các hội đoàn thể để được hướng dẫn vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.