Thủ đoạn phổ biến là đối tượng lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên cán bộ giả mạo và các hoạt động chung có logo BIDV... liên hệ với khách hàng qua Zalo, Facebook… giả danh là cán bộ BIDV. Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu khách hàng nộp khoản tiền là "phí bảo hiểm rủi ro" từ 1-2 triệu đồng với mục đích chiếm đoạt số tiền trên.
Từ những vụ việc đã xảy ra, BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác và luôn xác minh mọi lời mời chào từ những người lạ, có nhiều dấu hiệu khả nghi. Các loại phí dịch vụ liên quan đến giao dịch đều được BIDV thu trực tiếp từ khách hàng và cung cấp chứng từ hợp lệ, biểu phí dịch vụ được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch và trang web chính thức của ngân hàng. Do đó, kKhách hàng không cần nộp bất cứ loại phí nào khi chưa kiểm tra tính phù hợp với biểu phí của BIDV và tuyệt đối không chuyển tiền phí qua một tổ chức, cá nhân nào khác.
Chủ thẻ cần bảo mật thông tin thẻ khi giao dịch trên ATM
Còn theo đại diện Nam A Bank, Việt Nam ngày càng ghi nhận nhiều vụ lừa đảo của tội phạm ngân hàng. Mới đây một nhóm tội phạm trục lợi từ các lỗ hổng trên website công ty trung gian thanh toán, hay nhiều khách hàng bỗng dưng mất tiền trong tài khoản dù không giao dịch, mua sắm.
Dẫn thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Nam A Bank thông tin năm ngoái có đến hơn 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Ghi nhận của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện hàng ngàn máy tính bị nhiễm mã độc, hơn 2.500 trang tin, cổng thông tin tên miền quốc gia Việt Nam bị tấn công. Thông tin khách hàng, mật khẩu, thông tin tài chính được đánh giá là các loại dữ liệu giá trị đối với tội phạm an ninh mạng với nhiều phương thức để lừa đảo...
Ngân hàng dồn dập cảnh báo thủ đoạn lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin khách hàng khi giao dịch trực tuyến
Trước đó, Vietcombank gửi email tới từng khách hàng khuyến cáo về thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền. Theo đó, một số phương thức lừa đảo mới mà tội phạm đang sử dụng như mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.
Người dùng ví điện tử khi đăng tải câu hỏi lên website/fanpage của ví điện tử sẽ bị đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của ví rồi liên hệ, hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như 1 bước để khắc phục lỗi dịch vụ.
Đối tượng lừa đảo còn mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy để yêu cầu cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo...
Một số thủ đoạn lừa đảo khác được Agribank khuyến cáo như đối tượng gửi email/tin nhắn có chứa link truy cập vào webiste của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin người dùng. Kẻ gian cũng lừa khách hàng cài đặt phần mềm, ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng.
Vẫn có người sập bẫy
Theo các ngân hàng, dù các thủ đoạn lừa đảo này liên tục được cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin và sập bẫy mất tiền. Do đó, các ngân hàng khuyến cáo người dùng tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã xác thực OTP) và thông tin thẻ (số thẻ, mã PIN, ngày hết hạn, mã CVV, mã CVC); không cung cấp cho bất kỳ ai qua bất cứ kênh nào...