Những chính sách tài chính ngân hàng quan trọng có hiệu lực từ đầu năm 2020

Thứ năm, 09 Tháng 1 2020 07:38 (GMT+7)
Năm 2020 nhiều văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có hiệu lực bao gồm thông tư quy định về tỷ lệ an toán vốn với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động TCTD, quy định về cho vay tiêu dùng….
 
Thông tư 41/2016
Từ 1/1/2020, Thông tư 41/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực. Thông tư này áp dụng với ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và loại trừ các ngân hàng được đặt vào kiểm soát đặc biệt.
 
Thông tư yêu cầu các TCTD phải đạt tỷ lệ an toàn vốn thấp nhất là 8% (giảm từ mức 9% của Thông tư 13/2010). Tuy nhiên, thông tư này yêu cầu khắt khe hơn về việc đánh giá rủi ro theo chuẩn Basel II.
 
Thay vì dùng công thức vốn tự có chia tổng tài sản “Có” rủi ro theo quy định tại Thông tư 36/2014 thì nay phần mẫu số tính cả Tổng tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, và vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường...
 
Do đó, nếu ngân hàng không tăng được vốn thì sẽ tác động đến kế hoạch tăng trưởng của nhà băng, của nhóm cũng như của toàn ngành. Các ngân hàng cần phải có một quy trình đánh giá an toàn vốn tổng thể và chiến lược để duy trì mức vốn.
 
Đến nay, có 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II gồm 16 ngân hàng nội (Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Viet Capital Bank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank và NamABank) và 2 chi nhánh ngân hàng ngoại là Standard Chartered Việt Nam, Shinhan Việt Nam.
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
 
Thông tư 22/2019
Một văn bản khác có hiệu lực từ 1/1/2019 là Thông tư số 22/2019 quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
 
Cụ thể, từ 1/1/2020 đến 30/9/2020, con số này là 40%. Giai đoạn 1/10/2020 - 30/9/2021, tỷ lệ tối đa là 37%, từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 34%, sau 1/10/2022 là 30%.
 
Bên cạnh đó, Thông tư cũng tăng hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Đối với các khoản phải đòi khác có giá trị từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ 1/1/2020 đến hết 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% từ 1/1/2021.
 
Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng thương mại được điều chỉnh lên 85% (từ mức 80%).
 
Đồng thời, Thông tư 22/2019 cũng quy định về tỷ lệ an toàn vốn (áp dụng đối với các ngân hàng chưa thực hiện theo Thông tư 41/2016), yêu cầu các đơn vị gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41/2016 chậm nhất từ ngày 1/1/2020
 
Thông tư 19/2019, 21/2019
2 thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
 
Trong đó, Thông tư 21/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân như điều kiện hoạt động phải có từ 300 thành viên trở lên, giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định, có cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành, kiểm toán nội bộ, hệ thống kiểm soát nội bộ, người quản lý, người điều hành…
 
Thông tư 19/2019 thay thế hoàn toàn cho Thông tư 8/2009 quy định về mạng lưới hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.
 
Thông tư 23/2019
Thông tư 23/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2014 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán sẽ có hiệu lực từ 7/1/2020. Trong đó, thông tư quy định dịch vụ bù trừ điện tử là dịch vụ cung ứng hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc tiếp nhận, đối chiếu dữ liệu thanh toán và tính toán kết quả số tiền phải thu, phải trả sau khi bù trừ giữa các thành viên tham gia để thực hiện việc quyết toán cho các bên có liên quan.
 
Đồng thời, tài khoản đảm bảo thanh toán được định nghĩa là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của tổ chức cung ứng dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán mở tại ngân hàng hợp tác để đảm bảo cho việc cung ứng các dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán.Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về hệ thống bù trừ điện tử, quyết toán bù trừ điện tử…
 
Ngoài ra một số thông tư khác cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2020 gồm Nghị định 86/2019 quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thông tư 25/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, Thông tư 24/2019 quy định về tái cấp vốn dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng đối với tổ chức tín dụng…
 
Theo link - (doanhnghiepvn.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)
 

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm