Rút ngắn lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

Thứ hai, 17 Tháng 8 2020 11:05 (GMT+7)
Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là “đích” đến thể hiện tính ưu việt, công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân của nước ta. Để đạt được mục tiêu này, không có cách nào khác là phải phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) bền vững, tiến tới BHYT toàn dân...
Cán bộ bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH cho người dân. Ảnh: MINH ANH
 
vượt chỉ tiêu về độ bao phủ
 
Để triển khai Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (năm 2014), trong sáu năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế đã triển khai, thực hiện quyết liệt các quy định mới của Luật BHYT, nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, như: Quy định bắt buộc tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm mức đóng theo số người tham gia; bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT... 
 
Vấn đề này cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm, ngày 28-6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, năm 2016, cả nước đã có 75,928 triệu người tham gia BHYT, chiếm 81,9% dân số (tăng 6,25 triệu người so năm 2015); năm 2017 có khoảng 79,295 triệu người tham gia BHYT, chiếm 86,4% dân số và  năm 2018, toàn quốc có hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT, chiếm 88,6% dân số - vượt chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg 3,4%. Và đến hết năm 2019, toàn quốc đã có 85,95 triệu người tham gia BHYT, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 2,41 triệu người so năm 2018 và đã đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 89,3% dân số - vượt 1,2% so với Quyết định số 1167/QĐ-TTg...
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó, có một chỉ tiêu quan trọng là giai đoạn 2016 - 2020 phải bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia BHYT; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, hơn 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách BHYT để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo..., qua sáu năm thực hiện (2015-2020), đến nay, các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 90% dân số tập trung chủ yếu tại vùng trung du, miền núi phía bắc và một số tỉnh vùng đồng bằng; một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với tỷ lệ bình quân chung cả nước chủ yếu tập trung ở khu vực miền nam, như: Bạc Liêu, Bình Thuận, Tây Ninh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bình  Phước,  Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh.
 
Ngoài ra, số liệu phân tích cũng cho thấy, năm 2016 có 11,37 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình (chiếm 15% tổng số đối tượng tham gia) thì hết năm 2019 đã lên tới 17,6 triệu người, hiện còn khoảng ba đến năm triệu người chưa tham gia, trong đó có 10 đến 20% là người có thu nhập cao. Tuy nhiên, theo nhận định việc phát triển và mở rộng số người tham gia BHYT trong nhóm này là khả quan trong thời gian tới.
 
Mặc dù đã sớm đạt mục tiêu về độ bao phủ BHYT, nhưng báo cáo đánh giá cũng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT là do những vướng mắc về chính sách pháp luật. Theo quy định của Luật BHYT thì BHYT là hình thức BH bắt buộc, nhưng lại chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng BHYT nếu họ không tham gia, như: Đối tượng học sinh, sinh viên, hộ gia đình. Ngoài ra, một số quy định về đối tượng vẫn còn “chồng chéo”, như: Người từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hằng tháng; người lao động được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác nước ngoài chưa quy định cụ thể có phải tham gia BHYT; chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHYT cho các đối tượng nạn nhân bị bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh và đối tượng huấn luyện viên, vận động viên thể thao... Bên cạnh đó, mặc dù Quyết định số 1167 giao các địa phương chủ động ngân sách và huy động nguồn lực tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của nhóm cận nghèo, nhưng hiện tại vẫn còn 17 tỉnh, thành phố chưa thực hiện hỗ trợ nốt phần còn lại, trong đó có năm tỉnh, thành phố không hỗ trợ (Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa) cho nên tỷ lệ tham gia BHYT của nhóm này còn chưa đạt 100%.
 
Thực hiện nghiêm Luật BHYT
 
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là khát vọng thể hiện tính ưu việt, công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để đạt được mục tiêu này, không có cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, và phải bảo đảm được hai yêu cầu rất cơ bản. Đó là, bao phủ đến mọi người, hay để không ai phải đi khám, chữa bệnh (KCB) mà không có BHYT và bảo đảm bền vững về tài chính, đây được xem là vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay, khi tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT vẫn tiếp diễn.
 
Hiện nay, với những bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp tình hình mới. Dự thảo luật này dự kiến sẽ có những cách tiếp cận mới, như: Hạn chế sự “bao cấp”, tăng trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT, cũng như cùng kiểm soát chi phí KCB; phòng, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT… 
 
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT, điều kiện quan trọng nhất là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị phải “tương xứng” với vai trò quan trọng của chính sách này, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, giám sát và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT. 
 
Ngành y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở; các cơ sở y tế đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB BHYT, kịp thời cập nhật dữ liệu lên Cổng thông tin Giám định điện tử nhằm minh bạch trong quản lý và chia sẻ sử dụng thông tin giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Đồng thời, với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT, cơ quan BHXH cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ, đổi mới công tác giám định BHYT, tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT, BHXH; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHYT…
 
Đồng thời, để phấn đấu đến hết năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT, Chính phủ cần chỉ đạo UBND các tỉnh tích cực, chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện BHYT. Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia, nhất là các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp. Các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT. Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, mức hỗ trợ tối thiểu là 50% mức đóng BHYT; đối với học sinh, sinh viên hỗ trợ thêm từ 20% mức đóng BHYT trở lên. Các tỉnh, thành phố phải tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Giao chỉ tiêu tham gia BHYT đến từng xã, gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND xã, lấy chỉ tiêu phát triển đối tượng làm chỉ tiêu xét thi đua khen thưởng hằng năm…
 
ANH THU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm