Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội. Ảnh: NGUYỆT HÀ
“Điểm tựa” cho người lao động
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Hà Nội, tính đến đầu tháng 11, đã có hơn 71.100 trường hợp người lao động đến trung tâm làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp là 68.777 người; 2.450 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Giám đốc Trung tâm Tạ Văn Thảo cho biết, trong 5 năm gần đây số lao động tìm đến trung tâm để xin hưởng trợ cấp BH thất nghiệp tăng từ 19 - 21%/năm. Phần lớn người lao động đến trung tâm với mục đích tìm việc làm ổn định bảo đảm cuộc sống, đồng thời, mong muốn được hỗ trợ học nghề để có kỹ năng nghề tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm, có vị trí công việc phù hợp hơn.
Có thể thấy, người lao động bị mất việc làm là đối tượng dễ bị tổn thương khi họ không có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, nhất là trong thời gian dịch Covid-19. Đứng trước những khó khăn đó, trung tâm đã triển khai nhiều hỗ trợ nhằm giúp đỡ người lao động trong việc hưởng BH thất nghiệp cũng như tìm được công việc mới. Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có những quy định cụ thể đối với người lao động thất nghiệp trong thời gian đại dịch. Theo đó, lao động thất nghiệp được bảo đảm quyền lợi bằng cách gửi hồ sơ hoặc khai báo trực tuyến đến các trung tâm DVVL. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tích cực thực hiện theo sự chỉ đạo của Cục Việc làm và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho người lao động thụ hưởng chính sách tốt nhất, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về chính sách BH thất nghiệp...
Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương Nguyễn Trọng Thắng cho biết, ngoài chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, công tác hỗ trợ học nghề được coi là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách BH thất nghiệp đang được Trung tâm DVVL Bình Dương thực hiện. Thông qua đó, người lao động có chứng chỉ nghề, có cơ hội để thay đổi công việc, đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng cao. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Trọng Thắng, hỗ trợ học nghề là một quy định rất cần thiết đối với người lao động thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động với mức thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả và thật sự đi vào cuộc sống, các nhà làm chính sách cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ học nghề, hỗ trợ chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp; phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao...
Giúp người lao động tái hòa nhập thị trường lao động
Đánh giá về việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp thời gian qua, Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình cho biết, sau hơn 11 năm thực hiện chính sách BH thất nghiệp, số người tham gia BH thất nghiệp liên tục tăng qua từng năm, vượt so với dự kiến và bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng như đại dịch Covid-19 ở Việt Nam thời gian qua, nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, chính sách BH thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật, giúp lao động có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn nhờ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí...
Cũng theo thống kê của Cục Việc làm, chỉ tính đến hết tháng 10-2020, riêng Quỹ BH thất nghiệp đã chi trực tiếp hơn 12.900 tỷ đồng cho người lao động và dự kiến hết năm 2020 sẽ có hơn 20 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động; hàng triệu lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động. Có thể thấy, vai trò Quỹ BH thất nghiệp ở tất cả các quốc gia trên thế giới cả về mặt lý luận và thực tiễn đều đã khẳng định rõ, không chỉ chi trả, chia sẻ rủi ro mà quan trọng hơn là hỗ trợ người lao động thất nghiệp quay trở lại thị trường lao động. “Hơn 11 năm qua, chính sách BH thất nghiệp của Việt Nam đã làm tốt việc chi trả, việc hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động tương đối thành công, nhưng để đáp ứng được yêu cầu trong thời gian tới vẫn còn nhiều việc phải làm” - Cục trưởng Vũ Trọng Bình khẳng định.
Trong bối cảnh cả người lao động và người sử dụng lao động đều gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, mới đây, để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp. Nghị định 61 đã giảm điều kiện để người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ. Đồng thời, Khoản 4 Điều 1 Nghị định 61 cũng mở rộng các trường hợp người lao động được xác định là đang đóng BH thất nghiệp; với những quy định mới tại Nghị định 61, sẽ ngày càng có nhiều người lao động được tham gia cũng như thụ hưởng chính sách BH thất nghiệp. Đồng thời, giúp doanh nghiệp và người lao động sớm được tiếp cận chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Theo thống kê, năm 2009, cả nước có hơn 5,9 triệu người tham gia BH thất nghiệp; đến năm 2015 - năm đầu tiên Luật Việc làm có hiệu lực, đã có hơn 10,3 triệu người tham gia (tăng 11,8% so năm 2014); năm 2016, có hơn 11,06 triệu người; năm 2017, có hơn 11,77 triệu người; năm 2018, có 12.680.173 người; năm 2019 có 13.429.401 người; đến hết tháng 10-2020, đã cán mốc 13,04 triệu người, chiếm tỷ lệ khoảng 26,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia. Đến hết tháng 10, cả nước đã giải quyết chế độ BH thất nghiệp cho 881.895 người với số tiền chi trả 12.988 tỷ đồng, tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2019; và 12.737 người được hỗ trợ học nghề với số tiền gần 33 tỷ đồng.
ANH THU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)