Cụ thể, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 7,7%; huy động vốn tăng 11% so với năm 2019; chi phí vốn được tiết giảm mạnh trong bối cảnh thu nhập từ lãi gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tiếp tục được cải thiện tăng 15,5% so với năm 2019. Thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019, tỉ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng lên gần 20,1% năm 2020…
Đáng lưu ý, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 16.450 tỉ đồng, tạo nguồn lực để VietinBank chủ động đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ tài chính của nền kinh tế. Các chỉ số sinh lời ROE và ROA lần lượt đạt 16,8% và 1,3%, tiếp tục cải thiện mạnh so năm 2019.
Nhiều ngân hàng báo kết quả kinh doanh vượt kế hoạch trong năm 2020. Ảnh: Lam Giang
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết trong năm qua ngân hàng đã triển khai chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường. VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỉ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi vay, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Năm 2021, ngân hàng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng về tổng tài sản khoảng 3% - 6%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8% - 11%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%. Lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, mục tiêu tăng 10% - 20%.
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng ước tính kết quả kinh doanh năm 2020 có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đặt ra. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỉ đồng, tăng 94,13% so với cuối năm 2019, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh nhiều thách thức.
MSB sẽ trình phương án chia cổ tức tối thiểu 15% tại Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến thực hiện trong quý I/2021.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2020, vượt mục tiêu đề ra ở hầu hết chỉ số quan trọng.
Cụ thể, kết thúc năm 2020, các chỉ tiêu về tổng tài sản đều vượt kế hoạch đề ra; huy động vốn tăng tới 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành.
Theo đại diện TPBank, dù biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể do ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới. Nhưng nhờ dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng. Lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Như vậy, tuy không nêu con số cụ thể về mức lợi nhuận trước thuế đạt được nhưng với kế hoạch đặt ra từ đầu năm là 4.068 tỉ đồng và cuối năm vượt 8%, tương đương mức lợi nhuận trước thuế của TPBank trong năm 2020 hơn 4.300 tỉ đồng.
Năm 2020, TPBank cho hay cũng đã miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỉ đồng. Tổng dư nợ được giảm lãi hơn 40.000 tỉ đồng nhưng ngân hàng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11% nhờ tiết kiệm, cắt giảm chi phí.
Một ngân hàng khác cũng vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm 2020 là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK). Trong 11 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ABBANK đã đạt 1.378 tỉ đồng, tương ứng đạt 101% kế hoạch năm, vượt kế hoạch lợi nhuận Đại hội cổ đông đề ra cho năm 2020.
Đặc biệt, chia sẻ với báo chí mới đây, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết trong năm 2020 lợi nhuận của ngân hàng đạt hơn 23.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1 tỉ USD.
Thái Phương - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)