Cán bộ y tế khám, chữa bệnh cho trẻ em tại Trạm y tế xã Tam Lư, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG
Bước tăng trưởng ấn tượng
Năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT tiếp tục có bước tăng trưởng ấn tượng với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so năm 2015. So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn.
Diện bao phủ BHYT đã tập trung vào các nhóm, như: nhóm người lao động tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100%, với khoảng 3,2 triệu người; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ (hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và khoảng 18 triệu người tham gia theo hộ gia đình). Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu tại một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân phải mất từ 40 đến 80 năm thì đến năm 2025, Việt Nam đạt 95% dân số tham gia BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, số người tham gia BHYT tuy tăng cao, tỷ lệ bao phủ lên tới 90,85% dân số, nhưng thực tế số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ còn chiếm tỷ trọng cao. Việc phát triển chính sách BHYT và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực. Tại một số nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt yêu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân; chất lượng dịch vụ y tế chưa cao, dẫn đến sự chênh lệch về quyền lợi được hưởng của người tham gia. Thậm chí, đã xảy ra tình trạng “bao cấp ngược”, khi nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chất lượng dịch vụ y tế chưa cao nên quỹ BHYT kết dư và số kết dư đó chuyển về các tỉnh có điều kiện khá hơn bị thâm hụt quỹ. Bên cạnh đó, theo nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Mặc dù, tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt kế hoạch nhưng vẫn còn hơn 9% dân số chưa tham gia BHYT. Và thực tế, tỷ lệ chưa tham gia này mới là điều đáng lưu tâm. Nhóm thuộc diện tham gia theo hộ gia đình có thu nhập cao hơn chính là những người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT, tuy nhiên họ chủ yếu tham gia các gói bảo vệ sức khỏe của bảo hiểm thương mại hoặc một bộ phận có điều kiện hơn lựa chọn đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Điều này chưa thể hiện đúng bản chất của BHYT là chia sẻ “lấy số đông bù số ít”, không bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tăng cường các giải pháp mở rộng
Phó Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Đặng Hồng Nam cho rằng, chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 là động lực để thúc đẩy người dân tham gia BHYT bền vững. Khi người dân được thuận lợi hơn trong khám, chữa bệnh, chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên sẽ là yếu tố quan trọng để người dân tin tưởng và tham gia BHYT, góp phần đạt mục tiêu BHYT toàn dân. Chính sách thông tuyến sẽ giúp người tham gia BHYT có quyền lựa chọn nhiều hơn, thuận tiện, tốt nhất trong khả năng của họ; người bệnh được tiếp cận nhanh hơn, kịp thời hơn các dịch vụ y tế mà không cần phải làm thủ tục chuyển tuyến, giảm bớt phiền hà, nhất là đối với những lao động tự do hoặc chuyển dịch lao động do các nguyên nhân khác nhau.
Đồng thời, BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động, giải thích đến từng người dân hiểu rõ tính ưu việt của chính sách… Ngành BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Năm 2021, với quyết tâm cao nhất trong thực thi nhiệm vụ, gắn với phương châm hành động: “Kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, ngành BHXH Việt Nam tập trung triển khai tám nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao: Số người tham gia BHXH đạt khoảng 35,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 0,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BH thất nghiệp đạt khoảng 28,5% lực lượng lao động, vượt 0,5% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28; số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ khoảng 91,58% dân số.
ANH THU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)