Lãi suất tiết kiệm - cho vay rơi xuống giá “bèo”.

Thứ tư, 17 Tháng 1 2024 18:12 (GMT+7)
Người dân mạnh tay gửi tiết kiệm, trong khi nhu cầu vay vốn không cao khiến lãi suất tiền gửi và cho vay lao xuống giá mềm
Lãi suất tiết kiệm - cho vay rơi xuống giá “bèo”- Ảnh 1.
Lãi suất tiền gửi 1-2 tháng tại Vietcombank xuống còn 1,7%/năm
 
Sau khi các ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng về mức 1,7%-2,2%/năm, mới đây, Techcombank cũng giảm lãi suất hàng loạt kỳ hạn dưới 12 tháng.
 
Cụ thể, đối với hình thức tiết kiệm Phát lộc tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm lần lượt từ 2,75-2,9%/năm xuống mức 2,55-2,7%/năm; kỳ hạn 6 tháng 4,1%/năm xuống 3,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,15%/năm xuống 3,85%/năm.
 
Trước xu hướng lãi suất tiết kiệm ngày càng đi xuống, các ngân hàng không ngừng tung ra các gói cho vay với lãi suất cực thấp.
 
Đơn cử, Sacombank cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất - kinh doanh lãi suất 3%/năm kỳ hạn 1 tháng, 4%/năm kỳ hạn 2 tháng, từ 5%/năm kỳ hạn 3 tháng và từ 5,5%/năm kỳ hạn 4 – 12 tháng.
 
 
Riêng khách hàng cá nhân, Sacombank cho vay sản xuất – kinh doanh lãi suất từ 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng hoặc từ 7%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. Còn cá nhân vay vốn để phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng lãi suất từ 6,5%/năm, cố định trong 6 tháng, 12 tháng hoặc 24 tháng.
 
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết người dân ồ ạt gửi tiết kiệm, trong khi nhu cầu vay vốn không cao là nguyên nhân chính làm cho lãi suất tiền gửi - cho vay lao xuống giá mềm.
 
 
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra trong năm 2023, tiền gửi của của cư dân và các tổ chức kinh tế đã tăng thêm 1,68 triệu tỉ đồng – mức tăng cao nhất từ trước đến nay, riêng quý IV/2023 tăng hơn 800.000 tỉ đồng. So với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao gần gấp đôi.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm