Ứng phó với việc giá dầu giảm sốc

Thứ hai, 27 Tháng 4 2020 07:34 (GMT+7)
Ngày 20-4 vừa qua đã trở thành ngày lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới, sau khi giá dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ tây Tếch-dát, Mỹ) giao tháng 5 rơi xuống mức -37,63 USD/thùng. Ðây là mức thấp chưa từng có, khiến hàng loạt công ty dầu mỏ đứng trước nguy cơ phá sản, đồng thời tác động lớn đến ngân sách của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ðể vượt khó, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp (DN), rất cần sự linh hoạt trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Ứng phó với việc giá dầu giảm sốc
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ.
 
Hoạt động khó khăn
 
Theo nhận định của các chuyên gia, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh cùng với khả năng sản xuất vượt giới hạn tồn trữ khiến giá dầu rơi vào vùng âm, với mức thấp chưa từng có trong lịch sử sản xuất và kinh doanh dầu mỏ thế giới.
 
Tuy nhiên, việc giá giảm sâu cũng chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn và diễn ra cục bộ tại Mỹ. Về trung và dài hạn, giá dầu được dự báo sẽ đi lên trong tháng 6, tháng 7, cán mốc 40 USD/thùng vào cuối năm 2020. Giá dầu giữ ở mức thấp trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến hoạt động của các DN dầu khí. Tất cả các công ty dầu khí đều cắt giảm đầu tư, thăm dò và phát triển mỏ, dẫn đến nguồn cung giảm. Ðối với Việt Nam, doanh thu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị ảnh hưởng bởi dao động của giá dầu Dated Brent do Platts định giá và tâm lý chung của thị trường khi giá dầu WTI giảm sâu kỷ lục. Theo đó, giá dầu Dated Brent ngày 20-4 là 19,1 USD/thùng, giảm 1 USD/thùng so với ngày 17-4. Trung bình từ đầu tháng 4, giá dầu Dated Brent ước đạt khoảng 20,5 USD/thùng.
 
Theo lãnh đạo PVN, giá dầu giảm từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của PVN và các đơn vị thành viên trong cả năm lĩnh vực kinh doanh chính. Ðối với lĩnh vực khai thác dầu khí, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, doanh thu sẽ giảm khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng/năm. Với giá dầu ở mức 30 USD/thùng, doanh thu sẽ giảm khoảng 55 nghìn tỷ đồng/năm (so với giá dầu kế hoạch là 60 USD/thùng). Hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp khi nhu cầu vận tải, lưu thông sụt giảm. Các nhà máy lọc dầu bị lỗ do tồn trữ, chênh lệch giá sản phẩm thấp (có lúc giá xăng thấp hơn giá dầu), nguy cơ dừng hoạt động do tồn kho cao. Lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng gặp khó khi các chủ đầu tư, nhà thầu có xu hướng cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất...
 
Trong tình hình giá dầu thấp như hiện nay, việc mua dầu thô để tích trữ đang được bàn thảo và có thể mang đến nhiều cơ hội cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tồn tại một số khó khăn, như: chưa có cơ chế chính sách về rủi ro cho hoạt động này (khi mua bắt đáy dẫn đến thua lỗ); hạ tầng lưu chứa còn hạn chế, không có kho dự trữ quốc gia, hiện cả nước chỉ có hai kho chứa dầu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn phục vụ sản xuất của nhà máy là chính. Việc thuê tàu trữ dầu chưa khả thi do tiềm lực tài chính còn hạn hẹp... Do đó, Chính phủ cần điều tiết thị trường bán lẻ xăng dầu, xem xét tạm dừng nhập khẩu xăng dầu, cân đối cung cầu giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu, điều hành giá xăng dầu ở mức hợp lý để duy trì hoạt động cho chuỗi sản xuất, kinh doanh từ khai thác đến chế biến, cung ứng sản phẩm để phát triển ổn định nền kinh tế chung của đất nước, duy trì việc làm của người lao động.
 
Xây dựng những giải pháp tổng thể
 
TS Nguyễn Ðức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong phương án điều hành kinh tế-xã hội, Chính phủ đã dự báo sự suy giảm của giá dầu và nhận định: Giá dầu sẽ còn chao đảo và tiếp tục ở mức thấp, đến khoảng tháng 7, tháng 8 mới có thể khôi phục ở mức 40 đến 45USD/thùng với điều kiện dịch Covid-19 phải được khống chế và xử lý cơ bản ở các quốc gia. Hiện tại, thu từ dầu thô vẫn chiếm một phần quan trọng trong hoạt động thu ngân sách nhà nước. Số liệu thống kê trong quý I cho thấy, thu ngân sách từ dầu thô đạt gần 14,6 nghìn tỷ đồng, bằng 41,4% dự toán, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2019.
 
Chung quan điểm, Vụ trưởng Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng cho biết, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được xây dựng trên cơ sở giá dầu dự báo khoảng 60 USD/thùng, do đó mức giảm mạnh như hiện nay chắc chắn sẽ tác động làm giảm thu. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam đã có sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu, cho nên số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách, vì vậy tác động từ việc giảm giá dầu không quá lớn đến nguồn thu. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách, thì đến giai đoạn 2016-2018 đã giảm xuống còn khoảng 4%. Ðến năm 2019, thu từ dầu thô ước chiếm 3,2% tổng thu ngân sách. Dự toán năm 2020, thu từ dầu thô là 35.200 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách, giảm 11.600 tỷ đồng so với thực hiện năm 2019 trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước tính khoảng 9,02 triệu tấn. Việc giá dầu giảm tuy tác động không lớn nhưng vẫn làm ảnh hưởng nguồn thu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, do đó cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể. Giá dầu bình quân trên thực tế đã giảm mạnh so với dự toán ban đầu, cho nên đặt ra bài toán phải tính toán, cân đối lại ngân sách, vì liên quan đến khai thác kinh doanh dầu khí có rất nhiều dịch vụ kèm theo có thể cũng bị ảnh hưởng. Ðại diện của Bộ Công thương cho biết thêm, Bộ đã có các văn bản chỉ đạo PVN triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, đồng thời, đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tài chính, đầu tư, thị trường, kinh doanh,… nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dầu khí trong giai đoạn hiện nay.
 
PVN đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động của dịch Covid-19 và khủng hoảng về giảm giá dầu để xây dựng, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp ứng phó. Trong đó, toàn ngành tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí tối thiểu 15%, giảm lương từ 10 đến 20%, giảm hội họp; tăng cường quản trị chi phí tối ưu, nâng cao năng suất lao động; đánh giá tác động dòng tiền, có phương án hạn chế tác động và tận dụng cơ hội tối ưu, tái cơ cấu nguồn vốn; giãn, dừng các dự án chưa thật sự quan trọng; tăng cường kiểm soát các hợp đồng, tìm kiếm cơ hội đầu tư mua mỏ tận dụng giá dầu thấp; bám sát diễn biến cung cầu, giá dầu thô và sản phẩm để có giải pháp kịp thời; đa dạng hóa kênh phân phối, tăng thị phần bán lẻ,... Bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần các giải pháp từ Chính phủ và các bộ, ngành, như: hỗ trợ về tài chính bằng các khoản vay giá rẻ về vốn lưu động cho PVN và các đơn vị thành viên. Giãn khoản nợ vay tại các dự án, DN khó khăn của ngành. Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép PVN và các đơn vị thành viên được sử dụng khoản tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên tại Ocean Bank hoặc cho phép được sử dụng khoản tiền này để thanh toán các nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Ðưa sản phẩm phân bón vào diện sản phẩm phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) với mức thuế suất 0%; đưa sản phẩm xăng dầu được chế biến từ tài nguyên dầu thô khi xuất khẩu được vào chịu thuế VAT,...
 
Nếu giá dầu trung bình cả năm 2020 đạt 30 USD/thùng, doanh thu PVN giảm 19% so kế hoạch năm, đạt 520 nghìn tỷ đồng (kế hoạch là 640,9 nghìn tỷ đồng); nộp ngân sách nhà nước giảm 38,4% so kế hoạch năm, đạt 50,6 nghìn tỷ đồng (kế hoạch là 82,1 nghìn tỷ đồng). Trung bình nếu giá dầu giảm 1 USD, doanh thu toàn PVN giảm 4,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm 1.000 tỷ đồng so kế hoạch.
 
Nguồn: PVN
 
BÀI, ẢNH: HOÀNG VIỆT VÀ TÔ HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Phân bón, Hóa chất, Xăng dầu