Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng.
Về hành vi vi phạm về sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu thủ công để chế biến lại (Điều 36 của Nghị định), VCCI cho biết hiện nay Nhà nước đang thúc đẩy nhiều biện pháp để giảm thiểu tác hại của việc lạm dụng rượu, bia.
Lấy mẫu rượu kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh rượu ở Hà Nội - Ảnh: D.Thu
VCCI chỉ ra, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là kiểm soát việc sản xuất rượu thủ công, hạn chế tình trạng rượu không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Theo đó, bên cạnh việc kiểm soát bằng chỉ tiêu chất lượng, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính là một cơ sở quan trọng.
Do đó, để bảo đảm quy định đủ tính răn đe và tác động đủ mạnh đến hành vi của người sản xuất, VCCI đề nghị Ban soạn thảo nâng mức xử phạt đối với tất cả các khung đang được quy định tại Điều 36. Hiện nay, mức xử phạt về hành vi này cao nhất là 20 triệu đồng.
Trên cơ sở tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đã chỉ ra một số điểm cần điều chỉnh tại Điều 15, 16 của Nghị định Về hành vi sản xuất, buôn bán tem, nhãn, bao bì giả.
Theo VCCI, tem, nhãn, bao bì là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết đối với một sản phẩm. Từ phía người sử dụng, các yếu tố này có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với quyết định lựa chọn, phân biệt hàng giả với hàng thật. Mặc dù tem, nhãn, bao bì có giá trị không lớn, chưa tác động trực tiếp đến sức khỏe hay môi trường của con người, nhưng lại là điều kiện tiên quyết dẫn đến hậu quả sau khi người tiêu dùng sử dụng những thứ được dán tem, nhãn hoặc chứa đựng bên trong bao bì.
"Người buôn bán hàng giả, hàng nhái cũng khó có thể thu lợi nếu không có bao bì giống thật đến mức khó hoặc không phân biệt được với hàng thật"- VCCI nêu rõ.
Do đó, VCCI cho rằng cần phải đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của các hành vi nêu trên, từ đó đưa ra mức xử phạt nặng hơn so với quy định tại Dự thảo. Theo đó, đề nghị Ban soạn thảo nâng các khung xử phạt của hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì giả lên tương đương mức xử phạt của hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
Điều 36. Hành vi vi phạm về sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mà không đăng ký với chính quyền địa phương tại nơi sản xuất theo quy định.
2. Đối với hành vi bán sản phẩm rượu sản xuất thủ công do mình sản xuất cho đối tượng không phải là doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại theo quy định, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có số lượng dưới 20 lít;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có số lượng từ 20 lít đến dưới 30 lít;
c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có số lượng từ 30 lít đến dưới 50 lít;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có số lượng từ 50 lít đến dưới 100 lít;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có số lượng từ 100 lít trở lên.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.