ĐB Phạm Khánh Phong Lan: Thật đáng buồn khi sữa thì đắt mà rượu, bia lại rẻ

Thứ ba, 13 Tháng 11 2018 09:57 (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) bày tỏ việc đồng ý phải tăng thuế để rượu, bia ngày càng đắt, lúc đó người dân có thể hạn chế mua hơn, "Thật đáng buồn khi ở Việt Nam sữa thì rất đắt còn rượu, bia thì rẻ".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Tăng thuế để thấy xót tiền rồi hạn chế mua rượu, bia - Ảnh 1.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) phát biểu tại tổ vào chiều 12-11- Ảnh: Văn Duẩn

Chiều 12-11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) cho rằng phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia đối với tất cả các rượu, bia lưu hành trên thị trường, kể cả rượu nhập khẩu, chứ còn nếu chỉ khuyến khích không có tác dụng.

Theo ĐB, mục tiêu của chúng ta là nâng cao nhận thức để người dân từ bỏ rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe. Nữ ĐB đồng ý phải tăng thuế để rượu, bia ngày càng đắt, lúc đó người dân có thể hạn chế mua hơn. "Thật đáng buồn khi ở Việt Nam sữa thì rất đắt còn rượu, bia thì rẻ hơn nước ngoài. Cho nên rất hoan nghênh biện pháp tăng thuế"- ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu quan ngại.

Nữ ĐB TP HCM cũng cho rằng rượu, bia nhập lậu khi phát hiện thì phải hủy, chứ không cho tái xuất. Kinh nghiệm khi cho tái xuất thuốc lá nhập lậu thì cuối cùng nó cũng quay trở lại thị trường. Bên cạnh đó, cần có những trung tâm cai nghiện bia, rượu.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng kiến nghị, luật cần ghi rõ trẻ dưới 18 tuổi có được uống rượu, bia hay không, vì điều này chưa thấy ghi trong luật. Với các hành vi nghiêm cấm, phải cấm hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia chứ không chỉ cấm ép buộc người dưới 18 tuổi. Hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia cần có chế tài.

Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh luật phải bảo đảm làm sao kiểm soát được rượu, bia. Người sản xuất, kinh doanh, cung cấp rượu, bia mà vi phạm pháp luật phải bị chế tài. "Thực tế, có một số quốc gia đã kiểm soát được rượu, bia rất nghiêm ngặt, vì thế yêu cầu đặt ra là chế tài xử phạt phải hết sức nghiêm. Còn nếu chế tài không nghiêm thì luật có ra đời chúng ta cũng không kiểm soát được"- ông Khuê nói.

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP HCM) đánh giá, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia là rất cần thiết bởi đây là vấn đề có liên quan đến giống nòi. Thực tế rượu, bia không hoàn toàn có hại mà nhiều nơi như một văn hoá, giống như "miếng trầu là đầu câu chuyện". Việc sử dụng rượu, bia nếu biết điều tiết, sử dụng hợp lý thì là tốt nhưng ngược lại chỉ cần lạm dụng, bước qua ngưỡng thì sẽ trở nên tiêu cực.

ĐB nêu câu chuyện mà ông trực tiếp chứng kiến ở tỉnh Hà Giang khi tới một phiên chợ và thấy thiếu niên sử dụng rượu phổ biến. Từ đây ông băn khoăn quy định cấm sử dụng, cấm bán rượu, bia đối với đối tượng dưới 18 tuổi. "Luật quy định như thế nhưng có khả thi không, có thực hiện được hay không?"- ông Hoàng đặt câu hỏi.

Đại diện cho giới nữ, ĐB Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, tán thành với tên gọi Chính phủ trình bởi "rất có lý". Theo bà Hoa, rượu, bia có mặt lợi và có mặt hại, và ở đây cần phải hiểu là phòng chống tác hại, chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu, bia. "Thế nào là phòng, thế nào là chống, cần cụ thể hơn. Phải quy định cấm ép uống rượu, bia trên mọi lứa tuổi. Tôi biết có trường hợp ép uống say rồi sáng hôm sau đột tử"- bà Hoa dẫn chứng.

Nguồn: Văn Duẩn - Phương Nhung - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Rượu - Bia - Nước giải khát