Bộ Y tế ngày 8-11 đã tổ chức hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia mới nhất này sẽ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia và bỏ Quỹ Phòng, chống tác hại rượu bia ra khỏi luật.
Ban Soạn thảo cho biết gặp nhiều "áp lực" khi xây dựng dự thảo về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế (cơ quan soạn thảo dự án luật), cho biết dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có 3 mục tiêu gồm: Kiểm soát quảng cáo; giảm tính sẵn có của rượu, bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu, bia. Tuy nhiên, trong dự thảo luật trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 lần này, mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia sẽ không được xem xét đến. Luật vẫn quy định mức thuế cũ và có thể sẽ tăng trong tương lai gần đây.
Cũng theo ông Quang, trong quá trình xây dựng dự luật này, cơ quan soạn thảo đang chịu rất nhiều tác động. "Các doanh nghiệp không muốn ban hành Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia nhưng nếu không ban hành luật này thì ảnh hưởng của rượu, bia tới sức khỏe, các vụ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình do nguyên nhân từ rượu, bia vẫn còn nguyên đó. Trong quá trình xây dựng luật, có nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia muốn bổ sung thêm hai từ "lạm dụng" vào tên của dự thảo luật. Điều này có nghĩa là khi lạm dụng rượu, bia mới gây hại nhưng thực tế, bia, rượu không có ngưỡng gọi là an toàn. Chỉ cần vài chén rượu, đi đường đã có thể gây tai nạn, thiệt mạng" - ông Quang nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Y tế cho biết hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Đặc biệt, tỉ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại rất cao, cụ thể là 44,2% nam giới và 1,2% nữ giới. Hiện, Việt Nam có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, tiêu thụ 4,1 tỉ lít bia. Thống kê cho thấy lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở Việt Nam là 8,3 lít cồn nguyên chất. Xu hướng uống rượu ở tuổi trẻ gia tăng, nguy hại lớn với sức khỏe người dân, trong đó có tai nạn giai thông. 36% vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia, chưa tính bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng. Ông Quang cũng dẫn lại 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng được dư luận hết sức quan tâm thời gian qua, đó là vụ ôtô tông hàng hoạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh (TP HCM) hay vụ xe Innova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên… Trong các vụ tai nạn này, tài xế đều có nồng độ cồn vượt mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Người phụ nữ lái xe gây tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh có nồng độ cồn rất cao
Thời gian qua, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Liên minh Chính sách đồ uống có cồn toàn cầu (GAPA), Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge Canada), Liên minh Nếp sống lành mạnh (IOGT), Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)… đã gửi 10 thư kiến nghị/góp ý gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhằm nâng cao sức khoẻ cộng đồng và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam.
Dự kiến, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội vào ngày mai, 9-11.