Người dân huyện Mai Sơn (Sơn La) bỏ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng vào bể chứa.
Tỉnh Sơn La có hơn 300.000 ha diện tích đất nông nghiệp với nhiều tiểu vùng khí hậu sinh thái, là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, trong xu thế sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Phần lớn nông dân có thói quen sử dụng phân vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất hoặc khoáng chất, với suy nghĩ “bón phân càng nhiều thì cây càng tốt” cho nên lượng phân bón hóa học bón cho cây trồng cao gấp hai đến ba lần so với nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm không đúng, không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” và hướng dẫn trên bao bì, sử dụng sai mục đích… cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, chất lượng nông sản, môi trường và hệ sinh thái.
Trước những vấn đề nêu trên, năm 2017, chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả đã được triển khai tại tỉnh Sơn La. Ðại diện CropLife Việt Nam cho biết, mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV an toàn và có trách nhiệm đối với người sử dụng thuốc, người tiêu dùng và cộng đồng. Ðồng thời, xây dựng mô hình liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc BVTV “hiệu quả - an toàn - có trách nhiệm”, góp phần sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam.
Theo Cục trưởng BVTV Hoàng Trung, các hoạt động của chương trình nằm trong vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu ở Sơn La đã góp phần nâng cao chất lượng, tính an toàn về dư lượng thuốc BVTV cho sản phẩm quả, tạo được uy tín trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu của tỉnh. Hoạt động có tính ứng dụng cao, thực tế, hiệu quả, cần thiết đối với nông dân. Với sự tham gia đồng bộ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, việc triển khai đã tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác quản lý và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
Ðể cán bộ địa phương nắm rõ các quy định hiện hành trong công tác quản lý thuốc BVTV, chương trình đã tổ chức các lớp tập huấn cho 30 cán bộ của hai xã Chiềng Hặc, Tú Nang (huyện Yên Châu). Ðồng thời, tổ chức 25 lớp tập huấn với sự tham gia của 900 nông dân là thành viên của tám hợp tác xã nông nghiệp và nông dân sản xuất nông nghiệp thuộc các xã Tú Nang, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng (huyện Yên Châu), Hát Lót (huyện Mai Sơn). Ngoài việc trang bị đầy đủ quy định hiện hành về trách nhiệm của người sử dụng thuốc BVTV và nắm được những kiến thức cơ bản về thuốc BVTV, các lớp tập huấn còn hướng dẫn người dân một số kỹ thuật xử lý thuốc, kỹ thuật sử dụng bình phun, định lượng nước phun, cách sử dụng đầu vòi béc phun, áp suất phun cho từng nhóm thuốc, nhóm dịch hại (sâu bệnh, cỏ dại)...
Chi cục trưởng Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La Dương Gia Ðịnh cho biết: “Từ những hiệu quả bước đầu, trong thời gian tới chúng tôi mong muốn các ngành chức năng tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ nâng cao đối với tỉnh về vấn đề sử dụng thuốc BVTV, năng lực quản lý, hoạt động của tổ dịch vụ BVTV tại vùng dự án đã thực hiện. Bên cạnh đó, mở rộng các hoạt động của dự án tại 68 vùng trồng đã được cấp mã số đối với sản phẩm quả tại các huyện Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, Mai Sơn”.
Trong giai đoạn 2020 - 2021, Cục BVTV sẽ phối hợp CropLife Việt Nam, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam và các đơn vị liên quan tập trung triển khai các mô hình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm tại Sơn La và một số địa phương khác. Ðồng thời đẩy mạnh xu hướng hợp tác công tư và phối hợp các đối tác trong nước, nhất là các hiệp hội cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhằm tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bài và ảnh: Minh Huệ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)