Hơn 100 triệu bản sách giáo khoa (SGK) đã được NXB Giáo dục Việt Nam phát hành phục vụ năm học 2018-2019. Con số này cũng tương đương với các năm học trước. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm cả trăm triệu bản sách phải bỏ đi không dùng lại được do học sinh không dùng sách cũ, làm lãng phí cả ngàn tỉ đồng.
Chỉ dùng một lần rồi bỏ
Lý do không dùng được sách cũ rất đơn giản: do học sinh đã viết thẳng vào SGK vì nhiều phần bài tập yêu cầu làm bài vào sách!
Bộ sách Family and Friends Special Edition và tài liệu bổ trợ đi kèm của học sinh TP HCM có giá 250.000 đồng /bộ nhưng không thể tái sử dụng Ảnh: TẤN THẠNH
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, SGK từ tiểu học đến THPT đều yêu cầu học sinh làm thẳng bài vào SGK. Cụ thể, đối với học sinh lớp 4, ở môn toán, ngay ở bài đầu tiên, học sinh đã phải làm vào sách các bài toán trong phạm vi 100.000. Các trang tiếp theo, trang nào cũng in sẵn các phần bài tập cho học sinh làm bài ngay vào sách. Học sinh chỉ việc viết các phép tính vào sách, thay vì sách bài tập hay vở toán được sử dụng để ghi bài giảng của giáo viên trên lớp. Đối với các bài toán đố, người biên soạn sách đưa ra các phương án kết quả để học sinh khoanh tròn, kiểu làm bài trắc nghiệm.
Điều đáng nói là học sinh đã làm bài trực tiếp vào SGK nhưng các phụ huynh vẫn phải mua thêm sách bài tập do NXB Giáo dục phát hành cho con theo yêu cầu của nhà trường, mặc dù những cuốn sách bài tập này học sinh rất hiếm dùng đến hoặc bỏ không đến tận cuối năm.
Đối với môn tiếng Việt, học sinh cũng làm bài vào SGK tương tự như đối với sách toán song số lượng bài viết vào SGK ít hơn. Trong khi đó, môn tin học (sách của dự án mô hình trường học mới VNEN) và sách tiếng Anh thì 100% số bài học các học sinh phải viết bài vào SGK. Mà bộ sách tiếng Anh và tin học rất đắt tiền, lên đến 55.000 đồng (sách tin học) và gần 100.000 đồng (sách và vở bài tập tiếng Anh) nhưng dùng một lần rồi bỏ. Đối với lớp 3, phụ huynh - học sinh phải chi 116.000 đồng để mua sách tiếng Anh gồm 2 cuốn SGK (tập 1, tập 2) cùng với 1 cuốn vở bài tập và kèm đĩa CD…
Ở bậc THCS và THPT, cách sử dụng sách cũng tương tự như vậy. Việc giải bài tập trực tiếp vào SGK khiến bộ sách không thể dùng lại được nữa, đồng nghĩa với việc SGK chỉ dùng một lần rồi vứt!
Tiểu xảo, phung phí!
Nhận xét về cách làm sách này, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cách làm này chỉ là tiểu xảo để bán sách chứ không có ý nghĩa về mặt chuyên môn. Theo đánh giá của một chuyên gia giáo dục, việc dùng sách như thế nào tùy thuộc vào cách làm sách của người biên soạn cũng như NXB. Nếu những người làm sách muốn sách có thể tái sử dụng thì sẽ không biên soạn theo kiểu để học sinh có thể viết vào đó. "Việc này là vô cùng lãng phí, đặc biệt trong điều kiện nước ta còn nghèo. Một bộ sách tới 400.000 đồng sau một năm chỉ bán phế liệu được vài ngàn đồng. Mỗi năm, phụ huynh bỏ ra ngàn tỉ để mua sách mới là không thể chấp nhận được" - chuyên gia này nói.
Một trong những tác giả biên soạn bộ SGK hiện hành, GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn lớp 7 và lớp 8, chia sẻ rằng khi tiến hành biên soạn SGK, các tác giả chưa lường hết việc này. Khi đi vào sử dụng, vấn đề tái sử dụng SGK, sách bài tập mới được đặt ra. Cũng theo GS Phi, cả những người biên soạn sách lẫn NXB đều có trách nhiệm trong việc để SGK không tái sử dụng được. Vì thế, theo ông, khi biên soạn SGK theo chương trình phổ thông mới, cần phải rút kinh nghiệm...
Nói về sự lãng phí trong sử dụng SGK, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất của sự lãng phí này chính là do cách chỉ đạo sử dụng SGK và chương trình nhiều khi không ổn định. Do giảm tải, chỉnh sửa nên SGK năm nay không dùng cho năm sau được. GS Dong chỉ ra đây chính là cách làm sách phung phí dù đất nước còn nghèo!
"SGK cần gì có những bài tập trong sách để học sinh đỡ phải chép? Điều này không cần thiết. Học sinh chỉ cần một quyển vở trắng ghi bài trên lớp là đủ. SGK mà ghi vào thì sang năm vứt đi chứ làm sao sử dụng được" - GS Dong nói và chia sẻ thêm rằng ông đã đi các nước châu Âu, châu Á và thấy cách làm của họ không giống Việt Nam, học sinh được giáo dục rằng phải giữ sách vở cho ngay thẳng, nề nếp, không được làm bẩn. Kết thúc năm học sẽ xếp sắp lại từng bộ sách và mang ra ngoài thị trường để bán hay tặng lại cho những người cần dùng bộ SGK ấy.
"Tại sao SGK của lớp trước lại không dùng được cho lớp học sinh sau trong khi như thế là là rất tốt, rất tiết kiệm? Chúng ta đang quá lãng phí và sự lãng phí này đang đánh trực tiếp vào túi tiền của các phụ huynh"- GS Dong nhấn mạnh.
Quá tốn kém với đủ kiểu sách bổ trợ tiếng Anh
Tại TP HCM, ngoài bộ sách tiếng Anh tiểu học chính của TP HCM là "Family and Friends Special Edition" do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM phối hợp với NXB ĐH Oxford và NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn, nhiều phụ huynh hoang mang khi hàng loạt sách tiếng Anh không rõ theo chương trình nào được bán trong nhà trường và họ phải mua trọn bộ.
Một phụ huynh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) cho hay đầu năm, trường thông báo cho phụ huynh đặt mua sách ngay trong trường. Thực tế, phụ huynh nào cũng đặt mua trọn bộ chứ ít ai tìm hiểu những sách đó phục vụ chương trình tiếng Anh nào. Theo phụ huynh này, ngoài bộ "Family and Friends Special Edition", phụ huynh còn phải mua thêm 3 cuốn khác là: "Amazing Science", "My Fifth Diary" và "Math in my world". Cả 3 đều là của NXB Giáo dục Việt Nam. Những cuốn sách này cũng cho học sinh làm bài, trả lời câu hỏi ngay trong sách.
Thực trạng hiện nay ở nhiều trường tiểu học là phụ huynh không thể biết chương trình nào được thẩm định và tài liệu học nào đi theo các chương trình đó. Một phụ huynh tại quận 1 đặt vấn đề quá nhiều tài liệu, sách tiếng Anh trong trường học như hiện nay có thật sự cần thiết và hiệu quả trong khi việc học tiếng Anh đang hướng tới tăng cường khả năng giao tiếp, tức là phần nghe nói chứ không phải phụ thuộc nhiều vào sách.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tại các trường tiểu học, ngoài chương trình tiếng Anh tăng cường sẽ học bộ sách "Family and Friends Special Edition", các chương trình tiếng Anh còn lại sẽ học theo SGK của Bộ GD-ĐT và các tài liệu dạy thay SGK đã được bộ thẩm định và cho phép. Tuy nhiên, riêng ở TP HCM, tiếng Anh bổ trợ được giảng dạy theo Quyết định 448/QĐ ngày 31-10-2012 của UBND TP HCM (phê duyệt Đề án phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM giai đoạn 2011-2020). Theo đó, các trường tăng cường sử dụng những chương trình tiếng Anh bổ trợ nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp dưới dạng xã hội hóa.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho biết theo nguyên tắc, các trường được quyền hợp đồng với giáo viên nước ngoài có giấy phép để dạy tiếng Anh. Tùy theo từng chương trình tiếng Anh mà có thể giảng dạy trong chương trình chính khóa hoặc chương trình buổi hai. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP cũng quy định rõ ràng là giáo viên bản ngữ chỉ được dạy bổ trợ những tài liệu được sở cho phép sử dụng, tuyệt đối không dạy những tài liệu chưa được bộ và sở thẩm định hoặc cho phép, kể cả việc phát tờ rơi. Các trường dùng kinh phí xã hội hóa trong việc chi trả cho giáo viên bản ngữ/phần mềm bổ trợ với sự đồng thuận, tự nguyện của phụ huynh, cần đa dạng hóa các phần mềm bổ trợ, không ưu tiên một phần mềm bổ trợ nào dạy hết các chương trình tiếng Anh trong nhà trường.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết theo quy định của Sở GD-ĐT TP, các trường chỉ dạy những sách đã được bộ thẩm định, còn loại sách nào thì tùy từng trường chọn. Còn với các chương trình tiếng Anh bổ trợ, sẽ có các tài liệu đi kèm và chọn tài liệu nào tùy thuộc giáo viên giảng dạy.
Đặng Trinh
XEM LOẠT BÀI:
=>>> Chương trình phá sản vẫn bán sách