Giảm sĩ số lớp cần thiết hơn giảm học phí

Thứ sáu, 23 Tháng 11 2018 10:05 (GMT+7)
TP HCM đang tính phương án đưa học phí bậc THCS về mức thấp nhất song nhiều phụ huynh cũng như chuyên gia giáo dục cho rằng còn nhiều thứ cần làm hơn

Tại TP HCM, mỗi tháng thực học, học sinh (HS) THCS khu vực 19 quận nội thành đóng học phí tối đa 100.000 đồng, còn khu vực ngoại thành chỉ 85.000 đồng. Khoản đóng góp này chẳng thấm vào đâu so với vô vàn khoản thu khác.

Nhiều khoản cao gấp nhiều lần học phí

Cách nay chưa lâu, TP HCM có kế hoạch miễn học phí bậc THCS để bảo đảm không có HS nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa thể thực hiện vì TP HCM không có thẩm quyền quyết định để đơn phương thực hiện.

Trả lời UBND TP về chủ trương miễn học phí cho HS bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP HCM, Bộ Tài chính ý kiến: Việc miễn học phí cho HS bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc quy định đối tượng không đóng học phí phải được quy định trong Luật Giáo dục - thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đồng thời, Bộ Tài chính còn đề cập đến tác động về miễn học phí rằng TP HCM là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao trong cả nước nên mức đóng học phí từ 85.000-100.000 đồng/tháng/HS không phải quá lớn, tạo gánh nặng cho cha mẹ HS. Việc miễn giảm học phí sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn TP và các địa phương liên quan.

Giảm sĩ số lớp cần thiết hơn giảm học phí - Ảnh 1.

Sĩ số lớp quá đông đang ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo bậc THCS tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Sau khi có ý kiến từ Bộ Tài chính, TP HCM tính đến phương án đưa học phí về mức thấp nhất. Hiện chưa rõ mức học phí bậc THCS thấp nhất mà TP HCM đưa ra là bao nhiêu. Nghị định 86 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến năm học 2020-2021 quy định khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông theo vùng miền áp dụng từ năm học 2015-2016 như sau: Thành thị từ 60.000-300.000 đồng; nông thôn từ 30.000-120.000 đồng; miền núi từ 8.000-60.000 đồng. Từ năm học 2016-2017 trở đi, học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 5 (TP HCM), cho rằng nhiều năm làm quản lý trong ngành giáo dục, chưa bao giờ thấy phụ huynh than phiền do khó khăn về khoản đóng học phí; cũng không có HS nào không được đến trường vì không có tiền đóng học phí bởi HS thuộc gia đình khó khăn đều đã được miễn, giảm học phí theo chính sách. Ngoài ra, các trường còn có thêm chính sách hỗ trợ HS nghèo. Theo bà Thu, nhiều năm nay, các trường ở TP HCM có nhu cầu cao trong việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học sạch đẹp hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, ngân sách của các trường lại rất hạn hẹp nên phải kêu gọi phụ huynh đóng góp. Không riêng quỹ lớp, quỹ trường mà còn nhiều khoản khác đã trở thành nỗi lo của phụ huynh.

Nên đầu tư xây dựng trường lớp

Tại TP HCM, mức thu học phí bậc THCS mỗi năm khoảng 350 tỉ đồng. Theo bà Võ Ngọc Thu, nếu ngân sách của TP có thể cân đối được 350 tỉ đồng mỗi năm thì thay vì miễn học phí hãy tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường và có thể sử dụng một phần để tăng thu nhập cho giáo viên. Làm được việc đó, phụ huynh sẽ không phải lo lắng các khoản thu khác, các trường cũng không phải vận động đóng góp mà đầu tư của TP lại có tác động nâng cao chất lượng giáo dục.

Cùng quan điểm, ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP HCM), cho rằng học phí chính thức chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong khoản đóng góp của phụ huynh HS. Nếu chủ trương miễn học phí để không có HS nào phải thất học thì chỉ trúng với một bộ phận rất nhỏ. Đây là cách làm dàn hàng ngang.

Ông Thảo phân tích rằng giả sử TP vẫn thu học phí THCS như hiện nay, đồng thời sử dụng 350 tỉ đồng/năm để đầu tư cho giáo dục thì sẽ nâng cao được chất lượng. Cụ thể, chi cho giáo dục hiện nay chỉ ở mức vừa đủ, trong khi nhu cầu của phụ huynh ở TP HCM cao hơn, vậy thì tại sao không nhìn đến việc tăng đầu tư để giáo dục phát triển nhanh hơn. Mặt khác, muốn tăng chất lượng giáo dục thì phải giảm sĩ số HS/lớp trong khi sĩ số ở nhiều trường tại TP HCM rất cao. "Nên tăng cường hơn nữa việc xây dựng trường lớp để giảm sĩ số HS/lớp, từ đó nâng chất lượng đào tạo" - ông Thảo nói. 

Giảm áp lực đóng góp

Một phụ huynh tại quận 3 cho biết chị không mong đợi việc miễn hay giảm học phí vì khoản đó quá nhỏ bé trong các khoản thu của trường. Điều mà chị cũng như bao phụ huynh khác quan tâm là trường công lập thì phải được đầu tư tốt, đừng để cứ đầu năm nhà trường lại kêu gọi đóng góp cải tạo cơ sở vật chất của trường, mua sắm thiết bị hỗ trợ dạy học...

 
Nguồn: Huy Lân - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường mầm non - Cấp I, II, III