Yến Nhi và Quốc Dương trong trích đoạn “Nội tôi”.
“Thành, tại sao con bỏ học, tại sao con lêu lổng đi chơi?”, câu hỏi đầy xót xa của bà nội vừa dứt, cậu bé Thành vai còn quảy ba lô đi học sụp quỳ xuống: “Nội ơi con xin lỗi nội, nội đừng giận con nghen nội!”. Lớp diễn đó khiến khán giả cũng phải rớt nước mắt. Người thủ vai bà nội là em Trần Ngọc Yến Nhi, học sinh lớp 8, Trường THCS Chu Văn An (quận Ninh Kiều) và vai Thành là em Bùi Quốc Dương, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1. Yến Nhi cẩn thận trong từng chi tiết, điệu bộ để hóa thân thành vai bà nội rất mực thương đứa cháu nhỏ; Quốc Dương lại thể hiện được một cậu học trò “ba gai”, mê game nhưng cuối cùng biết ăn năn hối lỗi. Quốc Dương hào hứng: “Lúc đầu tập con cũng lo sợ và khớp lắm nhưng các cô dạy riết nên con quen. Vừa diễn mà vừa ca đúng là khó thiệt”.
Trước trích đoạn “Nội tôi” đó, nhóm học sinh tập luyện tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều) đã cùng các cô giáo đồng ca điệu Lưu - Bình - Kim rất nhịp nhàng, nhuần nhuyễn. Gương mặt ai cũng tươi rói khi lần đầu đứng trên sân khấu để ca tài tử, cải lương.
Tiếp nối thành công của chương trình “Sân khấu học đường” do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu vào năm 2015, năm nay, Cần Thơ đã chủ động tổ chức lần thứ hai. 29 học sinh của 8 trường THCS, tiểu học trên địa bàn các quận, huyện: Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền tham gia. Trong thời gian khoảng 1 tháng, các em được học về lịch sử hình thành và phát triển của đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, học về xướng âm lòng bản, cách canh nhịp, lấy hơi đến diễn trích đoạn cải lương. Thành quả của chương trình là các em sẽ diễn đạt 2 trích đoạn cải lương “Nội tôi” (điểm tập Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều) và “Trần Quốc Toản ra quân” (điểm tập Trường THCS Châu Văn Liêm, quận Ô Môn).
Là giáo viên đứng lớp, đạo diễn Kiều Mỹ Dung chia sẻ rằng, lúc đi sơ tuyển, bà thật sự thấy lo vì các em đa phần mê nhạc thiếu nhi, nhạc trẻ, có em chưa một lần xem một đoạn cải lương hoặc nghe một khúc nhạc tài tử. Thời gian tập luyện thì khá ngắn, để “chuyển hướng” sở thích cho các em không phải là điều dễ dàng. Nhưng rồi ngay từ những buổi tập đầu tiên, đạo diễn Kiều Mỹ Dung đã rất hạnh phúc khi các em từ lạ lẫm, khám phá đến yêu thích. “Nhìn các cháu mở miệng tròn vành rõ chữ xướng âm “hò, xự, xang” dễ thương làm sao. Các cháu thông minh và thuộc bài mau lắm”, đạo diễn Kiều Mỹ Dung kể. Còn với Nghệ nhân ưu tú Kiều Nga, việc dạy hát cho các em là cả vấn đề, phải bắt đầu từ nhịp, từ tiếng song lang canh nhịp. Nhưng điều làm bà ấn tượng chính là tình yêu nghệ thuật dân tộc của các em: “Rõ ràng, nếu có cách truyền dạy phù hợp, tuổi trẻ vẫn yêu thích đờn ca tài tử, cải lương như thường”.
Những nghệ sĩ, nghệ nhân “nhí” thật đáng yêu. Trước giờ diễn, các em hồi hộp đứng nhẩm bài, tay chân ra bộ khéo léo. Vậy mà diễn xong, các em lại trở về đúng chất trẻ thơ, vui đùa. Em Trần Ngọc Yến Nhi, học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Ninh Kiều), kể rằng, gia đình em có truyền thống theo nghiệp đờn ca nên em sẽ rất vui nếu được nối nghiệp. Yến Nhi nói: “Xem nghệ sĩ diễn cải lương tưởng dễ nhưng mình diễn thì thấy thật sự rất khó. Điều đó đòi hỏi con phải tập luyện hoài”. Trong chương trình này, có một cậu bé dáng người nhỏ nhắn nhưng lanh lợi và hát khá tốt, đó là Lê Ngọc Thiện, học lớp 5, đến từ Mỹ Hòa - Bình Minh - Vĩnh Long. Nghe bên Cần Thơ có lớp dạy đờn ca, Thiện xin mẹ chở qua tham gia. Nhà xa nhưng Thiện học rất đều và rất mê. Chị Nguyễn Thị Hồng, mẹ cháu Thiện, nói: “Thấy cháu đam mê nên tôi cho cháu theo học. Dịp hè, cho cháu rèn luyện thêm kỹ năng, biết ca hát cũng tốt”.
Chương trình “Sân khấu học đường” khép lại với thành công về một thế hệ mầm non say mê âm nhạc dân tộc. Hiệu quả rõ nét nhất là mỗi buổi tập của các em đều có phụ huynh đi theo, họ cũng “học cọp” và rồi khi cao hứng cũng xướng âm, thủ bộ. Về nhà, cả gia đình lại cùng ca “Long Hổ Hội”, “Cao Phi”… - những bài bản vừa được học. Sức hấp dẫn của “Sân khấu học đường” nhờ vậy mà được lan tỏa. Nói như Nghệ sĩ ưu tú Kiều Nga: “Các em học chủ yếu để hiểu, để yêu, cho dù lớn lên các em làm nghề gì, làm ở đâu thì cũng nhớ quê hương mình có một nền âm nhạc dân tộc đẹp lắm”.